Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) nói gì khi đột ngột giảm 27% mục tiêu lãi ròng năm nay?

Trang Mai 18:29 | 28/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo nghị quyết Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (mã: GVR) công bố mới đây, doanh nghiệp này đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với các chỉ số đều giảm so với mục tiêu từ đầu năm.

Cụ thể, sau điều chỉnh, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022 giảm từ 29.707 tỷ đồng xuống 28.280 tỷ đồng, giảm 5%; Doanh thu công ty mẹ điều chỉnh từ 4.460 tỷ đồng xuống 3.580 tỷ đồng, giảm 20% so với kế hoạch cũ đề ra; Mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất lần lượt ở mức 4.900 tỷ đồng và 3.880 tỷ đồng, tương ứng giảm 24% và 27% so với kế hoạch ban đầu.

Cùng với đó, kế hoạch phân phối lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức năm 2022 của tập đoàn sẽ được xem xét, quyết định tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Động thái hạ mục tiêu doanh thu của GVR diễn ra trong bối cảnh chỉ còn 3 ngày nữa là kết thúc năm tài chính 2022. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh sơ bộ quý IV cũng như cả năm 2022. 

Theo giải trình, phía doanh nghiệp cho biết, với công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch điều chỉnh giảm là do thị trường chứng khoán nhiều biến động, chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao; các đơn vị thành viên Tập đoàn chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền; lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào do sự suy giảm giá trị của đồng Kip Lào (LAK) trong kỳ lập báo cáo.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất điều chỉnh giảm là do sự xung đột của một số nước trên thế giới làm ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính của Tập đoàn; chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao; các đơn vị thành viên Tập đoàn chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền; lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào do sự suy giảm giá trị của đồng LAK trong kỳ lập báo cáo.

Về kết quả kinh doanh, GVR cũng ghi nhận tình hình không mấy khả quan trong quý III và 9 tháng đầu năm. Trong quý III, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.847 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, GVR lãi trước thuế gần 1.181 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ quý II/2020. Sau thuế, doanh nghiệp lãi ròng 994 tỷ đồng, giảm 35% so với quý III/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, GVR ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.302 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.078 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 4% so với cùng kỳ. Sau thuế, doanh nghiệp lãi ròng 3.487 tỷ đồng. 

So với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế vừa điều chỉnh, GVR đã hoàn thành lần lượt 57,6% và gần 90%. 

 

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, GVR ghi nhận tổng tài sản đạt 79.587 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, tổng khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn chiếm tới 20% trong tổng tài sản, ước 15.975 tỷ đồng. Hàng tồn kho cuối quý III ghi nhận tăng 57% so với đầu năm lên 5.447 tỷ đồng. Trong đó thành phẩm tồn kho tăng từ 1.799 tỷ đồng ở đầu năm lên 3.472 tỷ đồng. 

Tại ngày 30/9, nợ phải trả của GVR giảm 9,4% so với đầu năm xuống còn 24.741 tỷ đồng. Tổng nợ vay là hơn 7.759 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm, trong đó nợ vay ngắn hạn chiếm 2.152 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu cuối quý III đạt gần 54.846 tỷ đồng bao gồm 7.103 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 0,45 lần.

 

Chốt phiên chiều 28/12, cổ phiếu GVR dừng tại 14.200 đồng/cp, giảm 63% so với thị giá đầu năm. 

  Diễn biến giá cổ phiếu GVR từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Trading View).