Ngành cao su phục hồi, Chứng khoán Yuanta gọi tên 3 mã cổ phiếu tiềm năng

Lạc Lạc 10:05 | 27/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù có sự chững lại trong nửa đầu năm do tình hình kinh tế khó khăn chung, thế nhưng ngành cao su nói chung và một số doanh nghiệp nổi bật nói riêng được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn về cuối năm, khi nhu cầu phục hồi và mức cung ở tỷ lệ cân đối.

Giá  cao su thế giới có xu hướng tăng, nguồn cung được giữ ở mức ổn định

Theo tổng hợp từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá cao su thế giới biến động khá nhiều trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây. 

 Một số diễn biến chính của giá cao su từ năm 2000 đến nay. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Yuanta Việt Nam.

Tồn kho ở mức cao có thể vẫn ảnh hưởng giá cao su trong ngắn hạn

Tồn kho cao su tích lũy cao trong giai đoạn 2021-2022 do ảnh hưởng bởi dịch COVID khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm, đặc biệt việc Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế trong thời gian dài. 

 Nhu cầu cao su có phần sụt giảm từ cuối năm 202 đến nay. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Thực tế rằng, kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm của các doanh nghiệp ngành cao su có xu hướng giảm, lợi nhuận không đến nhiều từ hoạt động kinh doanh chính. 

Theo thống kê của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tổng doanh thu thuần của 11 doanh nghiệp cao su trên sàn trong nửa đầu năm đạt 12.571 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023. Riêng trong quý II, tổng doanh thu thuần đạt 6.227 tỷ đồng, giảm 21,5%. 

Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng cũng giảm 36%, xuống đạt 2.245 tỷ đồng, riêng trong quý II đạt 1.070 tỷ đồng, giảm mạnh 36%.

Kết quả kinh doanh quý II một số doanh nghiệp ngành cao su. Ảnh: FiinGroup, YSVN  

 

Động lực tăng trưởng của các "ông lớn" đến từ sự phục hồi từ Trung Quốc và tiền từ chuyển đổi diện tích trồng cao su

Phân tích kỹ hơn, với các doanh nghiệp thuần sản xuất và có doanh thu chủ yếu đến từ việc trồng và khai thác cây cao su như: Cao su Thống Nhất (mã: TNC), Cao su Đắk Lắk (mã: DRC) hay Cao su Tây Ninh (mã: TRC),... đa phần đều bán cao su cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Do đó, khi Trung Quốc (chiếm khoảng trên 75% tổng giá trị xuất khẩu cao su Việt Nam hàng năm) phục hồi trở lại sẽ kéo theo triển vọng tươi sáng hơn cho các doanh nghiệp này. 

Với các doanh nghiệp có khu công nghiệp, động lực phát triển trong trung và dài hạn nhờ chiến lược chuyển đổi diện tích trồng cao su thành các khu công nghiệp.

Cụ thể, với các doanh nghiệp cao su có lợi thế về quỹ đất tập trung tại Bình Dương như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR), Cao su Phước Hòa (mã: PHR) và Cao su Đồng Phú (mã: DPR) sở hữu vị trí đắc địa để chuyển đổi thành khu công nghiệp do giáp ranh với TP HCM cùng hệ thống cơ sở hạn tầng phát triển. Đồng thời do đất chủ yếu trồng cao su nên sự thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng, mặt khác gỗ cao su có thể thanh lý mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp trong ngắn hạn. Do đó, các doanh nghiệp này sẽ được lợi từ việc đền bù đất và chuyển đổi khu công nghiệp.

Tại GVR , doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II vừa qua đạt 4.276 tỷ đồng và 717 tỷ đồng, giảm 23% và 39% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận trong quý giảm xuống 22,7% (cùng kỳ 26%) do giá bán các loại mủ cao su giảm trong khi giá vốn đầu vào tăng. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của GVR đạt 8.418 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.473 tỷ đồng, giảm 20% và 41%. 

 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Yuanta cho rằng, trong ngắn hạn 2023-2024, nhờ lợi thế quỹ đất trồng cao su lớn và thị trường xuất khẩu chủ yếu của GVR là Trung Quốc nên sẽ hưởng lợi khi nhu cầu từ thị trường này phục hồi và giá cao su hồi phục. 

Với mảng KCN, GVR đang tập trung vào 8 dự án với tổng diện tích 2.900ha (chủ yếu ở Bình Dương và Bình Phước), dự kiến khởi công trong 2023-2024. Ban lãnh đạo đặt kế hoạch sẽ chuyển đổi 40.000 ha đất cao su sang đất KCN giai đoạn 2023-2030 và đây sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho GVR. 

Ngoài ra, câu chuyện thoái vốn khỏi các công ty con như PHR, Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC sẽ là các thông tin xúc tác cho giá cổ phiếu). 

Tại DPR, trong quý II ghi nhận doanh thu 146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, giảm mạnh 51% và 43% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống 25,4% (cùng kỳ 32%) do giá cao su giảm. Lợi nhuận giảm ít hơn doanh thu nhờ doanh thu tài chính tăng 174% trong khi chi phí tài chính giảm 29%. Chi phí bán hàng cũng giảm 22% còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17%. 

Lũy kế 6 tháng, DPR ghi nhận doanh thu 326 tỷ đồng, giảm 35% và lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.  

  Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Điểm tích cực là DPR không có nợ vay. Bảng cân đối kế toán lành mạnh với lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 1.484 tỷ đồng, tương đương 35% tổng tài sản.

Công ty chứng khoán phân tích, thu nhập từ đền bù đất của KCN Bắc Đồng Phú sẽ là động lực ngắn hạn. Cụ thể, diện tích đất cao su hiện tại của DPR là khoảng 9.300 ha với phần lớn đang trong tuổi khai tốt nên hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp khác. Theo đó, DPR có thể hưởng lợi khi giá cao su phục hồi. 

Với mảng KCN, theo quy hoạch giai đoạn 2020-2030, DPR có 2.000 ha sẽ được bàn giao và tỉnh Bình Phước sẽ đền bù cho DPR với giá trị dự kiến 250 tỷ mỗi năm, giai đoạn 2023-2029. Và 2.000 ha còn lại sẽ được DPR dùng để phát triển thêm mảng KCN. Trong 2022, giá trị đền bù chưa thực hiện là 150 tỷ, theo đó, DPR có thể ghi nhận tiền đền bù đến 400 tỷ trong năm nay. Ngoài ra, KCN Bắc Đồng Phú sẽ bắt đầu cho thuê từ 2023 là động lực tăng trưởng trong ngắn hạn. 

Tại PHR , đơn vị này ghi nhận doanh thu 201 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 127 tỷ đồng trong quý II, giảm 17% và tăng mạnh 128% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong quý tăng lên 23,5% (cùng kỳ 17%) nhờ doanh thu từ cho thuê đất KCN mặc dù giá bán cao su giảm. Lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu nhờ doanh thu thanh lý cây cao su 75 tỷ đồng và 16 tỷ đồng tiền cổ tức đợt 2 từ NTC.

Lũy kế 6 tháng, PHR có doanh thu ghi nhận 528 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế 361 tỷ đồng, nhích nhẹ 2% so với 6 tháng đầu năm 2022. 

  Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Theo Yuanta phân tích, kết quả kinh doanh mảng cao su của PHR có thể giảm trong giai đoạn 2023-2024 do diện tích vườn cao su đã giảm nhiều cho mảng KCN. Các khoản đền bù cũng đã được nhận hết trong 2023. Tuy nhiên, PHR vẫn sẽ hưởng lợi khi giá cao su hồi phục. 

Bên cạnh đó, KCN Nam Tân Uyên 3 và KCN VSIP III có thể mang lại lợi nhuận lớn từ năm 2024. Trong dài hạn, KCN Tân Lập (400 ha) và KCN Tân Bình 2 (1.055 ha) sẽ là động lực tăng trưởng, tiến độ pháp lý của 2 dự án này sẽ là các thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu. 

Nguồn cung cân đối nhu cầu và kỳ vọng giá dầu kỳ vọng giữ ở mức cao sẽ tác động cùng chiều lên giá cao su

World Bank dự phóng giá cao su cho năm 2023 khoảng 1,4 USD/kg và tăng lên 1,5 USD/kg cho năm 2024, tương ứng tăng khoảng 7% so với giá năm 2022. 

Còn theo Tradingeconomics (trang tổng hợp số liệu các sản phẩm trên toàn thế giới), giá cao su sẽ giao dịch quanh mức 1,27 USD/kg vào cuối quý III năm nay và có khả năng giảm nhẹ quanh 1,21 USD/kg trong 12 tháng tới. 

Yuanta Việt Nam cho rằng giá cao su có khả năng hồi phục trong giai đoạn tới do dự báo giá dầu vẫn neo ở mức cao, sản lượng cao su trồng mới giảm khiến nguồn cung được kiểm soát và ngành cao su - săm lốp Trung quốc phục hồi.

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), dự báo năm 2023 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt khoảng 14.916 triệu tấn, tiêu thụ đạt 14.912 triệu tấn. Dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Ngành cao su tự nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa. 

Xét về nguồn cung, các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng, thêm vào đó là sự hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường. 

Về phía nhu cầu, đang có những tín hiệu hồi phục khi Trung Quốc hiện có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện sẽ tác động tích cực lên nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới. Cùng với đó là kỳ vọng sự hồi phục các nền kinh tế lớn những năm tới.

Giá dầu thô có tác động gián tiếp lên giá cao su tự nhiên thông qua giá cao su tổng hợp do dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Theo EIA dự đoán giá dầu sẽ tăng quanh vùng 80$/thùng trong năm 2024 do nhu cầu tăng cao hơn nguồn cung.