Doanh nghiệp dệt may đứng trước nhiều thách thức
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nên ảnh hưởng tới tỉ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu.
Hiện tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018. Theo đó, một số doanh nghiệp các đơn hàng mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng. Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng.
“Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì thời điểm năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng. Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
8 tháng đầu năm 2019, sản xuất và xuất khẩu dệt may tuy có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, song các đơn hàng liên tục thay đổi, nên các doanh nghiệp cần phải có nhiều biện pháp nhằm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình.
Về sản xuất của ngành da giày, theo Bộ Công Thương, tháng 8 năm 2019 tiếp tục tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 8 tháng đầu năm 2019 tăng 9% so với cùng kỳ. Sản lượng giầy, dép da 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 185,3 triệu đôi, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 11,96 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ.