"Doanh nghiệp ngành dệt may chịu những thách thức và rủi ro cực lớn"

Mai Trang 07:03 | 16/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024 với chủ đề: “Mở rộng không gian tăng trưởng trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sáng 15/7.

Kim ngạch xuất khẩu tăng là do sự dịch chuyển đơn hàng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, nhu cầu tiêu dùng chưa thật sự phục hồi như trước đại dịch, áp lực cạnh tranh từ đối thủ và áp lực chuyển đổi xanh từ thị trường càng tạo nên nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam.

Tham luận tại diễn đàn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin: “6 tháng đầu năm, ngành dệt may xuất khẩu hơn 19 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. Lợi ích của việc xuất khẩu này tôi cho rằng là do chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác sang thị trường Việt Nam, còn bản chất thật là tiêu dùng toàn cầu chưa tăng”.

 Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: VnEconomy

Một trong những thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của ngành là các Hiệp định tự do thế hệ mới. Đây cũng là động lực tốt để Việt Nam giữ được các thị trường. “Năm 2023, toàn ngành dệt may xuất khẩu được 40 tỷ USD, vào 104 thị trường trên toàn cầu. Hiệp hội dệt may đặt ra 3 trụ cột chiến lược: Đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá đối tượng khách hàng và đa dạng hoá sản xuất, mặt hàng. Đây là 3 trụ cột để toàn ngành giữ được tăng trưởng trong nhiều năm vừa qua”, đại diện Hiệp hội dệt may thông tin.

Doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro, kể cả việc đối tác phá sản

Ông Vũ Đức Giang cho rằng, xuất khẩu dệt may đang quay lại đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và cuối năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn.

Song hành với những thuận lợi và kết quả toàn ngành đạt được, ông Giang cũng nhấn mạnh “thách thức của ngành dệt may là cực kỳ lớn”.

Đầu tiên là tiêu chuẩn kép của các nước nhập khẩu. Khi họ luôn tìm ra các kẽ hở nào đó để đưa ra các tiêu chuẩn, để rồi chúng ta phải tuân thủ.

Tiếp đó là tổ chức đánh giá của các nhãn hàng. Họ đưa vào Việt Nam các tổ chức đánh giá, tiêu chuẩn của nhãn hàng này nhưng không đồng khớp với tiêu chuẩn của nhãn hàng kia, mỗi nhãn hàng một tiêu chuẩn. Điều này làm cho các doanh nghiệp phải “bơi” trên một biển lớn, làm sao phải phù hợp thì mới có đơn hàng. 

Ngoài ra những thách thức liên quan đến phát triển công nghệ xanh, công nghệ tái chế, phát triển bền vững. Nhưng những sản phẩm này đòi hỏi chúng ta phải thích ứng kịp xu thế thì mới giữ được các đơn hàng.

Song song đó, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động. “Với ngành dệt may, với số lượng lao động, đơn vị giảm ít nhất là 6%, đơn vị nào giảm nhiều là 18-20% lao động. Họ dịch chuyển, nghỉ việc, lấy chế độ 1 lần. Đây là thách thức cực lớn. Khi 1 dây chuyền đã ổn định, chuyển công nhân mới vào thì phải đào tạo 6-8 tháng, thậm chí là 1 năm thì mới làm được việc. Nhưng theo luật lao động thì người lao động vào làm việc 1 tuần đã phải ký hợp đồng lao động, nếu không ký là vi phạm luật”, những điều này khiến cho việc đào tạo lao động gặp nhiều thách thức. 

Vấn đề cuối cùng được nhắc đến là những biện pháp, cơ chế, chính sách phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ dựa trên đề xuất của Hiệp hội và Bộ Công thương đã có chiến lược phát triển ngành từ 2022 đến 2035, nhưng đến hiện nay chiến lược này vẫn chưa đi vào thực tế. “Đây là chiến lược đúng, nhưng làm sao quy hoạch được các địa phương phải phát triển các khu công nghiệp, kêu gọi các ngành công nghiệp dệt, nhuộm, làm sao giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu nguyên liệu", ông Giang nói. 

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định, toàn bộ sản phẩm dệt may xuất khẩu, ngay từ khâu sản xuất xơ sợi, nhuộm… đến vải, quần áo thành phẩm đều phải được sản xuất trong nội khối CPTPP thì mới được hưởng thuế xuất – nhập khẩu bằng 0%.

Thuế suất 0% cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc Việt Nam, trong khi thị trường CPTPP rất lớn với 11 nước tham gia (mà các nước này lại không có lợi thế về sản xuất đồ may mặc).

 Vị này lấy ví dụ, mới đây tỉnh Nam Định đã thu hút được đầu tư của Nhật Bản, nhưng hầu hết các địa phương khác “dị ứng” với nước thải, nên không mặn mà với việc quy hoạch phát triển. Việc không có vải để sản xuất sẽ không thể tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA). 

“Chiến lược ngành dệt may, Chính phủ cần phải có giải pháp cho các địa phương quy hoạch khu công nghiệp, kêu gọi đầu tư cho phần đang thiếu hụt là nền công nghiệp dệt nhuộm để có được vải trong nước. Hiện nay tổng nhập khẩu vải mỗi năm khoảng 16 tỷ USD. Hầu hết là nhập khẩu từ “anh bạn lớn kế bên (Trung Quốc)”, ông Vũ Đức thông tin. 

Một rủi ro khác ông Giang nói đến là việc một doanh nghiệp của Mỹ phá sản, dẫn đến việc 38 doanh nghiệp mất một lượng tiền lớn. “Đạo luật phá sản của Mỹ có quy định để phá sản thì cần phải đóng thuế đầy đủ, trả ngân hàng, trả người lao động và cuối cùng mới đến trả cho khách hàng. 

 

Doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng và các ngành hàng xuất khẩu khác nói chung luôn luôn chịu những thách thức và rủi ro cực lớn"

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định ngành dệt may Việt Nam đang đứng đầu về khả năng sản xuất sản phẩm đa dạng và nhanh chóng nhờ đầu tư máy móc và tay nghề cao. Tuy nhiên, VDSC cảnh báo về dài hạn, các nước khác có khả năng bắt kịp và lợi thế trên sẽ giảm dần.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM (tự xây dựng thương hiệu) hoặc ODM (tự thiết kế) để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.

Với việc thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tại Mỹ ngày càng giảm dần ở tất cả các mặt hàng dệt may. VDSC hy vọng với việc thay đổi nhà cung cấp ở Mỹ sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng cao hơn thế giới nhờ chiếm thị phần của Trung Quốc trong ngắn hạn.