Doanh nghiệp phải thích ứng với thay đổi và dạy cho người máy biết cười
Tại đây, các diễn giả đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và doanh nghiệp Việt Nam đang sẵn sàng đến đâu, cần làm gì để thích ứng.
Kỹ năng cần thiết nhất là thích ứng với thay đổi
Chia sẻ nội dung “Báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của Công nghiệp 4.0”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết PwC đã khảo sát cộng đồng doanh nghiệp Việt về tác động ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Kỹ năng nào của doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0? Kỹ năng cần thiết nhất là thích ứng với sự thay đổi”, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nói.
Nhìn nhận theo một khía cạnh khác, bà Natasha Ansell, Tổng Giám đốc Citi Bank Việt Nam chia sẻ: “Thay vì cạnh tranh, chúng tôi đã hợp tác với các doanh nghiệp fintech để trở thành một ngân hàng lớn sử dụng fintech - một nền tảng quan trọng để phục vụ khách hàng”.
Bà Natasha Ansell khuyến nghị Việt Nam cần phải cho thấy một sự chuyển đổi mạnh mẽ cả từ phía doanh nghiệp và Chính phủ để số hóa nền kinh tế, trong đó, bắt đầu ngay từ việc số hóa chứng minh nhân dân.
Doanh nghiệp nhà nước phải biết khách hàng là ai
Tham gia thảo luận, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, ADB Việt Nam cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự tập trung liên kết của các công ty trong nước. Bản thân ADB Việt Nam cũng đã được Việt hoá và có những bước đi cụ thể để thu hút đầu tư.
“Mỗi doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp vừa và nhỏ phải là một phần của chuỗi. Chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp chưa được kết nối sẽ kết nối. Doanh nghiệp nào sáng tạo sẽ đi nhanh hơn. Doanh nghiệp tự đóng kín một mình sẽ khó tiến lên phía trước. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước phải biết khách hàng là ai và phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong hợp tác khu vực và quốc tế”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
“ADB đã hỗ trợ Việt Nam về fintech, phát triển thị trường trái phiếu; giúp xây dựng kỹ năng giáo dục tiểu học, dạy nghề; hỗ trợ vườn ươm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tại Đà Nẵng và TPHCM tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt phải nhìn nhận được dịch vụ nào, sản phẩm nào để chúng tôi có thể giúp kết nối sáng tạo”, ông Eric Sidgwick gợi ý.
Đại diện cho doanh nghiệp nhà nước, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT đã chia sẻ cơ hội cũng như khó khăn mà VNPT đang gặp phải.
“Chúng tôi phải xây dựng lại chiến lược phát triển, trong đó vấn đề quan trọng nhất là thúc đẩy chuyển đổi số cũng như khắc phục những tồn tại của nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo. VNPT cần phải tăng năng lực bản thân; gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập trên lĩnh vực khoa học công nghệ; tìm kiếm doanh nghiệp khởi nghiệp để hỗ trợ đầu tư, hợp tác phát triển; phát triển hạ tầng thông minh và chuẩn bị đội ngũ nhân lực phát triển văn hóa sáng tạo”, ông Hùng cho biết.
Hành động với tinh thần dẫn đầu và dạy cho người máy biết cười
Đó là chia sẻ kinh nghiệm đầy thú vị của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air tại phiên thảo luận.
Bà Thảo cho rằng, trước khi Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Vietjet Air đã hành động với tinh thần dẫn đầu về áp dụng số hóa và công nghệ hóa cao. Hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khách hàng Vietjet Air không chỉ mua vé máy bay mà có thể sử dụng nhiều dịch vụ mua sắm khác, kể cả “mua xe ôm” công nghệ.
Vietjet Air cũng tự tin vì vừa đứng trong top 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới (vị trí của Vietjet Air là thứ 22), theo Bảng xếp hạng của Tạp chí uy tín hàng đầu về tài chính hàng không - Airfinance.