Doanh nghiệp 'thờ ơ' với dự án nhà ở xã hội, Bắc Ninh đề xuất giải pháp gỡ vướng

Đông Bắc 15:00 | 10/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với khoảng 150 nghìn công nhân đang lưu trú trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập về chính sách cần sớm gỡ bỏ.

Bắc Ninh: Doanh nghiệp "thờ ơ" với dự án phát triển nhà ở xã hội

Giai đoạn từ 2015 đến nay, Bắc Ninh tập trung vào việc  phát triển nhà ở xã hội và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển toàn diện hơn.

Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Giáo dục Đông Dương - chủ đầu tư của Khu nhà ở xã hội Đông Dương chia sẻ trên Báo Bắc Ninh: "Khó khăn lớn nhất trong triển khai nhà ở xã hội chính là xác định đúng đối tượng để được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Theo Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì nhà ở xã hội tại khu công nghiệp được đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân làm việc tại khu công nghiệp.

Với khái niệm này, việc xác định đối tượng được thụ hưởng nhà ở công nhân gặp phải nhiều vướng mắc. Do vậy cần định nghĩa lại khái niệm, đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội dành cho công nhân để phù hợp với thực tế địa phương hiện nay".

Theo ông Tân, cũng có ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 53 Luật Nhà ở xác định hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê là một hình thức phát triển nhà ở xã hội.

 Nhu cầu về nhà ở xã hội tại Bắc Ninh cung không đủ cầu. Ảnh BBN.

Tuy nhiên, trong quy định của Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ không có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển nhà ở xã hội này. Bởi vậy, tại Bắc Ninh hiện nay, nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân của các doanh nghiệp là rất lớn nhưng lại không thể thực hiện được. Những bất cập về chính sách là "rào cản" đầu tiên cần sớm gỡ bỏ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Bắc Ninh, tỉnh hiện có 51 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai có tổng diện tích đất 156,93 ha, tương ứng khoảng 3.931.992 m2 sàn với 46.290 căn hộ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 189.459 người.

Bắc Ninh có 22 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 106,13 ha với 30.652 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 114.085 công nhân.

Khi 22 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được khoảng 76% nhu cầu chỗ ở của người lao động trên địa bàn. Hiện có 16/22 dự án đã hoàn thành và đang xây dựng.

Ngoài ra, số dự án nhà ở xã hội dành cho các đối tượng khác là 29 dự án, có tổng diện tích đất khoảng 50,8 ha với khoảng 15.638 căn hộ, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 75.374 người.

Dự kiến, giai đoạn năm 2021-2030, Bắc Ninh có khoảng 80 nghìn căn hộ được hoàn thiện, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 260 nghìn người. Tuy nhiên, dựa trên kết quả khảo sát và thống kê, số lượng người lao động có thu nhập thấp và các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội trên toàn tỉnh hiện nay đã là hơn 230 nghìn người.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, hiện nhu cầu vay vốn của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là khoảng 40 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 30 nghìn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 110 nghìn người).

Nhằm gỡ khó cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, tỉnh Bắc Ninh đề xuất, kiến nghị bổ sung những cơ chế, chính sách; trong đó, tập trung bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8, 10 Điều 49 của Luật Nhà ở được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp.

Trên thực tế, dù được hưởng nhiều ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ với các dự án phát triển nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do phân khúc này lợi nhuận thấp trong khi đó doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều vốn; chủ đầu tư thường đối mặt với nhiều khó khăn về cơ chế trong thủ tục, giá bán và kênh phân phối...

Do đó, các chuyên gia, để phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Bắc Ninh cần xây dựng, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc

Ngày 31/10, báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp nhiều vướng mắc dù hành lang pháp lý khá đầy đủ.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh QH.

Ông Nghị cho biết giai đoạn 2016-2020, ngân sách rót về cho Ngân hàng Chính sách xã hội rất thấp, chỉ hơn 3.160 tỷ trong tổng số 9.000 tỷ đồng (đạt 35%). Số tiền này đã được giải ngân cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà. Tính riêng 10 tháng đầu năm nay, giải ngân 2.300 tỷ đồng cho gần 6.700 khách hàng thuộc nhóm vay ưu đãi.

Bốn ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV mà Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội không được rót vốn để cấp bù lãi suất cho vay nên giai đoạn này không chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vay ưu đãi.

Theo ông Nghị, quy định pháp luật trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, ngân sách cấp vốn cho vay ưu đãi  xây dựng nhà ở xã hội còn thấp; đến nay cũng chưa bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng được chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.

Chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư và địa phương cũng không mặn mà với phát triển nhà ở xã hội. Các tỉnh thành chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm cũng như 5 năm; chưa bố trí 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội. Doanh nghiệp khu công nghiệp ít chú trọng đến nhà ở cho công nhân..

Bộ trưởng Xây dựng cho rằng cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như văn bản liên quan; ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Nghị đồng thời đề nghị các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thúc đẩy thị trường bất động sản cũng như Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho nhóm thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ.