Doanh nghiệp Trung Quốc hốt bạc nhờ tiền chính phủ chi cho 'Zero COVID'
Theo các nhà phân tích, Chính phủ Trung Quốc sắp sửa chi hơn 52 tỷ USD (tương đương 350 tỷ nhân dân tệ) cho xét nghiệm, cơ sở y tế, thiết bị giám sát và các biện pháp phòng chống COVID khác trong năm nay. Có tới khoảng 3.000 doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ số tiền khổng lồ này.
Ông Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR), cho biết: “Tại Trung Quốc, các công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm và những ngành liên quan khác đang kiếm đậm nhờ sự tập trung của Chính phủ vào chiến lược Zero COVID”.
Kiếm bộn tiền từ xét nghiệm
Trung Quốc muốn dựng các cơ sở xét nghiệm trong bán kính 15 phút đi bộ của người dân tại các thành phố lớn và đẩy mạnh xét nghiệm hàng loạt ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của một đợt bùng phát dịch. Ngân hàng Pacific Securities ước tính mục tiêu này của Bắc Kinh đã tạo ra thị trường trị giá hơn 15 tỷ USD mỗi năm cho các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ xét nghiệm.
Chính phủ Trung Quốc đang gánh hầu hết các chi phí, thông qua việc mua kit test hoặc trả tiền để các công ty tiến hành xét nghiệm. Tuy giá kit test đã giảm mạnh so với đầu năm 2020 – thậm chí có khi chỉ còn 0,5 USD/kit – nhưng nhu cầu liên tục vẫn giúp ích cho nhiều công ty.
Dian Diagnostics, một trong những nhà sản xuất kit test y tế lớn nhất của Trung Quốc, báo cáo lợi nhuận quý I/2022 tăng gấp đôi. Trong khi đó, doanh thu nhảy vọt 60% lên 690 triệu USD, một nửa trong số đó đến từ dịch vụ xét nghiệm COVID-19, gần như hoàn toàn do Chính phủ chi trả.
Adicon Holdings cũng thu về khoảng 300 triệu USD bán kit test trong hai năm 2020 và 2021, chủ yếu là tiền từ Chính phủ. Gần đây công ty đã đăng ký IPO trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).
Shanghai Runda Medical Technology cho biết họ xử lý tới 400.000 kit xét nghiệm mỗi ngày trong tháng 4, thời gian Thượng Hải bị phong tỏa, và ghi nhận doanh thu hơn 30 triệu USD mỗi tháng, theo tờ Securities Times.
Suốt thời gian qua, Trung Quốc khẳng định chiến lược "Zero COVID" là cần thiết để bảo vệ sinh mạng người dân và ngăn nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải. Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc không có dấu hiệu sớm từ bỏ chính sách chống dịch không khoan nhượng này, bất chấp hậu quả kinh tế.
Các chỉ báo mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã suy yếu rõ rệt kể từ tháng 3. Nhiều nhà kinh tế dự đoán GDP quý II của nước này sẽ tăng trưởng âm so với một năm trước. Chỉ số blue-chip CSI 300 đã lao dốc 19% kể từ đầu năm đến nay.
Giới đầu tư không chắc chắn liệu sự bùng nổ của các công ty như Daian, Adicon và Shanghai Runda sẽ kéo dài bao lâu. Vận may của họ thường gắn chặt với chi tiêu của Chính phủ.
Công ty chứng khoán Essence Securities tại Thâm Quyến viết trong lưu ý: “Diễn biến dịch bệnh rất khó có thể lường trước, do các biến chủng mới khá nhiều và khả năng lây nhiễm phức tạp. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và chính sách dập dịch được điều chỉnh, nhu cầu của thị trường dành cho xét nghiệm COVID-19 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực”.
Chuyên gia Huang tại CFR nói rằng chương trình cách ly, truy vết và phong tỏa khổng lồ của Trung Quốc có thể ngăn chặn tình huống xấu nhất nhưng không phải giải pháp lâu dài. Ông nhận xét: “Về mặt dịch tễ học và kinh tế, chiến lược này không bền vững”.
Giám sát hàng loạt, xây dựng nhanh chóng
Hàng chục nhà sản xuất camera giám sát và ảnh nhiệt của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ nhu cầu của Chính phủ đối với các thiết bị giúp kiểm soát tình hình của 1,4 tỷ công dân.
Ví dụ, Wuhan Guide, một trong những nhà sản xuất thiết bị ảnh nhiệt hàng đầu trên thế giới, đã tăng gấp đôi doanh thu trong năm 2020 nhờ cung cấp camera phát hiện sốt khắp Trung Quốc và nước ngoài. Tăng trưởng của công ty chững lại vào năm ngoái, nhưng giới phân tích kỳ vọng doanh thu sẽ tăng tốc trở lại trong năm nay và năm tiếp theo.
Ngoài ra, để giảm bớt áp lực cho cơ sở hạ tầng y tế nói chung, Trung Quốc cũng cần thêm hàng trăm bệnh viện mới. Nhu cầu này đã giúp việc làm ăn của một số công ty xây dựng bùng nổ.
China Railway Group, tập đoàn có hoạt động trải dài trong nhiều lĩnh vực từ xây dựng, sản xuất đến bất động sản, đã xây bệnh viện dã chiến trên khắp Trung Quốc trong năm nay. Công ty hoạt động đặc biệt năng nổ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như thành phố Thượng Hải và Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm).
Lợi nhuận của China Railway tăng đều đặn trong hai năm qua, một phần nhờ các dự án liên quan tới COVID-19. Giới phân tích kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Giá cổ phiếu của công ty đã leo lên mức cao nhất trong vòng ba năm hồi tháng 5.
Một nhà phân tích ước tính Trung Quốc đã xây dựng khoảng 300 bệnh viện dã chiến trong khoảng thời gian 35 ngày giữa tháng 3 và tháng 4. Chi phí cho các công trình này ước tính phải trên 4 tỷ USD.
Khoảng 1/3 số bệnh viện trên được xây dựng ở bên trong và khu vực ngoại ô thành phố Thượng Hải. Nhu cầu từ Chính phủ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hôm 15/5, trên tạp chí Qiushi, ông Mã Hiểu Vỹ - Chủ nhiệm Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã kêu gọi doanh nghiệp xây dựng thêm các “bệnh viện dã chiến cố định”, cho thấy nhu cầu lâu dài cho những công trình như vậy.
Phân tích của Reuters về các cuộc đấu thầu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ chi khoảng 15 tỷ USD cho các bệnh viện mới trong năm nay.