Doanh nghiệp Việt thích hình thức cho vay Fintech, ngang hàng
19:20 | 05/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là nhận định của Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực tại Hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo” Nắm bắt thời cơ phát triển” và Lễ công bố Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNVVN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ibosses Việt Nam và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức vào sáng 5/4.
Phát biểu khai mạc, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp khẳng định cuộc CMCN 4.0 tạo ra cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế. Trong bối cảnh đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đang đóng vai trò quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là tiên phong ứng dụng các giải pháp sáng tạo và công trình khoa học công nghệ.
Trên thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các start-up và DNNVV mở rộng quy mô, ứng dụng các giải pháp sáng tạo và khoa học công nghệ với tác động kinh tế rất lớn, tập trung các công ty công nghệ tỷ đô và hàng chục ngàn việc làm chất lượng cao. Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định Việt Nam cần có chiến lược và những hành động cụ thể để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng CMCN 4.0 và tiếp thu những bài học thành công của các quốc gia trên thế giới (như Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với CMCN 4.0, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia... giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng).
Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới. Việc thành lập và hoạt động của NIC được kỳ vọng trở thành hạt nhân quan trọng cho việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò then chốt giúp Việt Nam có bước đột phá, phát kinh tế trong dài hạn
Đánh giá về cơ hội khởi nghiệp, ông Tăng Ngọc Trường An, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ibosses Việt Nam cho biết, “DN Việt đang phải đối mặt với 2 vấn đề là tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, DNNVV start-up có cơ hội lớn nhờ sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Nhưng với các DNNVV việc thu hút vốn đầu tư thông qua dự án từ vốn nhà nước cần được Nhà nươc hỗ trợ không chỉ những về chính sách mà còn là các thủ tục về DN kéo dài nhiều năm.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế tăng trưởng BIDV, có 5 nhân tố khiến DN khởi nghiệp thành công là kinh nghiệm, học từ thất bại, mạng lưới quan hệ trong khối nghề nghiệp, tiếp cận vốn và cuối cùng là manh mắn. Còn thất bại lớn nhất của DN khởi nghiệp sáng tạo là không sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thiếu kiến thức thị trường... Do vậy, văn hoá Việt Nam cần phải thay đổi, phải chấp nhận rủi ro từ Chính phủ, tới DN.
Ông Lực đưa ra ví dụ, theo khảo sát bên châu Âu, yếu tố tiếp cận vốn không phải vấn đề chính mà DN mong muốn lớn nhất là giảm bớt thủ tục hành chính về khởi nghiệp sáng tạo, tiếp đó là hãy giảm thuế, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, chứ không phải từ ngân hàng. 85% DN khởi nghiệp châu Âu lấy vốn từ chính mình, người thân và gia đình. Chỉ có ít DN khởi nghiệp từ sáng tạo.
Vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ chỉ bơm vốn mồi, không có tiền đồng hành cùng DN. Nhưng DN vẫn cần nhất là cơ chế chính sách để khởi nghiệp thông thoáng. Do vậy, việc thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo phải thực chất, nếu hành chính, không thực chất thì chẳng làm gì cả. Đặc biệt thủ tục về hành chính phải cực kỳ đơn giản, kể cả thủ tục phá sản DN, đẻ ra thì dễ, mà phá đi thì khó.
Về thị trường vốn, ông Lực đề nghị cần có thị trường vốn riêng cho DN khởi nghiệp, sáng tạo. Hiện ở Việt Nam, DN rất thích đi vay Fintech, vay ngắn hạn vì nó nhanh, đơn giản, dù lãi suất cao hơn. Do đó, Chính phủ cần phải có hành lang pháp lý cho các DN khởi nghiệp, sáng tạo. Cần sớm có vườn ươm khởi nghiệp, bởi đó chính là nơi để DN có thể huy động vốn.
Với vai trò người ta vấn chính sách, ông Sharath Martin, Tư vấn chính sách, Hội Kế toán công chức Anh quốc (ACCA) Khu vực ASEAN, Australia và New Zealand kiến nghị: Lãnh đạo phải xây dựng văn hóa tăng trưởng. Cần xây dựng một chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu tăng trưởng dẫn đến gắn văn hóa tăng trưởng ở tất cả các cấp của DN.
Thiết lập một khung quản trị để giúp xây dựng khả năng phát triển bền vững và phục hồi DN. Triển vọng tăng trưởng được xây dựng thông qua việc DNVVN xây dựng cấu trúc quản trị ngay từ đầu hành trình kinh doanh của họ, nhằm hỗ trợ định hướng chiến lược của DN và có sự linh hoạt và khả năng phát triển bền vững, phục hồi cao hơn khi tiếp tục tăng trưởng
Tiếp tục phát triển đội ngũ quản lý song hành cùng với sự phát triển kinh doanh. Bởi chủ DN muốn duy trì quyền kiểm soát tất cả các khía cạnh của DN có thể gặp rắc rối khi DN phát triển và phức tạp hơn. Do đó, việc thành lập một nhóm quản lý có kỹ năng và kinh nghiệm là rất cần thiết để giúp mở rộng DN.
Tích hợp tài chính vào chiến lược tăng trưởng là điều tối quan trọng là chức năng tài chính của DNVVN cần nằm rõ các mục tiêu rộng hơn của DN và nâng cao giá trị cho mọi hoạt động của DN. Cần bổ nhiệm Giám đốc tài chính để có thể cung cấp lời khuyên chiến lược sáng suốt hơn cho đội ngũ quản lý.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ là điều cần thiết cho các DN mở rộng quy mô, thường đòi hỏi nguồn lực bổ sung để vận hành các quy trình kinh doanh phức tạp hơn. Việc tích hợp việc áp dụng công nghệ có thể mở rộng quy mô vào chiến lược tăng trưởng và đóng góp đáng kể vào việc tăng tiềm năng tăng trưởng của DN.
Với nguồn lực hạn chế, mỗi DNVVN sẽ gặp phải những thách thức trong vận hành DN ở các giai đoạn tăng trưởng. DNVVN có thể nâng cao khả năng phát triển bền vững và phục hồi DN bằng cách phát triển mối quan hệ với các nguồn tư vấn bên ngoài phù hợp. Ngoài ra, thông qua việc xây dựng mạng lưới phù hợp, các DN muốn mở rộng quy mô có thể tiếp cận hơn với các nguồn vốn từ bên ngoài dễ dàng hơn.