Đối tượng mua nhà ở xã hội có thể được mở rộng

Đông Bắc 09:02 | 22/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Xây dựng, ngoài 10 đối tượng mua nhà xã hội, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ.

 

Mới đây, Bộ Xây dựng nhận được nhiều kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành về việc mở rộng các đối tượng được mua  nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu cho người dân có thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện Luật Nhà ở hiện hành quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn.

Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định;

Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

 

 Đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội. Ảnh BXD.

Theo Bộ Xây dựng, hiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.

Liên quan đến thắc mắc của cử tri về việc việc vay vốn cho thuê,  mua nhà ở xã hội và nên nới rộng đối tượng chịu thuế (ngưỡng 11 triệu đồng/tháng), Bộ Xây dựng cho biết, hiện, do nguồn lực của nhà nước còn nhiều hạn chế nên việc cân đối nguồn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết, từ tháng 6/2016 đến nay, ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020 để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.

Bộ Xây dựng khẳng định, việc quy định về điều kiện thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội là cần thiết nhằm tập trung giải quyết nhà ở cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng cho biết thêm, Luật Nhà hiện hành quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, thực tế nảy sinh bất cập có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang dự thảo theo hướng: Có chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; Khi thuê nhà ở xã hội, người thuê không phải chứng minh điều kiện về thu nhập, nhà ở; Giá thuê nhà ở xã hội do 2 bên tự thỏa thuận.

Như vậy, các quy định trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng như điều kiện thuê nhà đã được xem xét, mở rộng phạm vi đầu tư và triển khai thực hiện nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nhiều cơ hội hơn khi tiếp cận thuê nhà ở.

 Người dân xếp hàng cả ban đêm chờ nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Hà Nội. Ảnh Đông Bắc.

Đối tượng thuộc diện chính sách khó tiếp cận nhà ở xã hội

Trước thực trạng người thu nhập thấp khó tiếp cận được với nhà ở xã hội trong khi những người có điều kiện hơn lại dễ dàng mua được, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi  Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tưởng chừng rất chặt chẽ, nhưng thực ra là chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế cuộc sống và có thể lách luật.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM lý giải, có một phần do các tiêu chí để được mua nhà ở xã hội hiện nay tưởng chừng chặt chẽ nhưng thực tế có thể "lách luật". Một trong số đó là các tiêu chí điều kiện về thu nhập của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể, tại Luật Nhà ở 2014 quy định người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều người làm thêm nghề "tay trái" nhưng lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề chính thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức.

Do đó, có một số người thu nhập cao nhưng vì luật không tính các khoản thu nhập khác không phải tiền công, tiền lương, dẫn đến họ vẫn hội đủ tiêu chí điều kiện về thu nhập, đó là không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 16 trường hợp. Trong đó, thu nhập từ tiền lãi ngân hàng hoặc tiền kiều hối.

Đối với khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của người nghỉ hưu, già yếu, mất sức lao động hoặc số tiền kiều hối có giá trị không lớn để cải thiện cuộc sống thì quy định miễn thuế thu nhập cá nhân rất chính xác và thể hiện sự nhân văn. Nhưng sẽ không hợp lý khi miễn, không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập rất lớn từ lãi tiền gửi tiết kiệm hoặc từ kiều hối.

Ông Châu dẫn ví dụ có trường hợp gửi tiền ngân hàng với số tiền rất lớn, khoảng 40 - 50 tỷ đồng với lãi suất khoảng 7%/năm, đến cuối năm người này nhận được lãi vài tỷ đồng. Đây là một số tiền rất lớn nhưng không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân và nghiễm nhiên họ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Từ đó, ông Châu đề nghị ngoài điều kiện về thu nhập với đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế, cần bổ sung thu nhập chịu thuế còn bao gồm các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

Bên cạnh đó, cần sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng hoặc thu nhập từ kiều hối.

Theo ông Châu, cũng chỉ đến khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 của Chính phủ thì lúc đó việc xác nhận điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập mới chính xác được.