Đối tượng nào được mua nhà ở xã hội?

Đông Bắc 10:18 | 24/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác đang đẩy mạnh phát triển xây dựng nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để sở hữu được một căn nhà ở xã hội thì người mua nhà phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.

Nhà ở xã hội là nhà ở thuộc sở hữu và quản lý của cơ quan nhà nước (có thể là trung ương hoặc địa phương) hoặc được các tổ chức phi lợi nhuận xây dựng để cung cấp nhà ở giá rẻ dành cho một số đối tượng thuộc chính sách ưu tiên trong xã hội.

Giá trị nhà ở xã hội chỉ bằng một nửa nhà ở thương mại. Chính vì vậy, đây là loại hình bất động sản được rất nhiều người tìm mua, bởi nó tạo cơ hội cho những gia đình, cá nhân thu nhập thấp có được nhà ở ở thành phố. Tuy nhiên, để mua được nhà ở xã hội, người mua phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.

 

Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, đối tượng được mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014 gồm:

Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định là người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước;

Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.


Để được hỗ trợ mua nhà ở xã hội thì những đối tượng nêu trên phải đáp ứng những điều kiện như điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập, bao gồm chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, đối tượng được hỗ trợ phải đáp ứng điều kiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó.

Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân...

Người nước ngoài không được mua nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH) thì trường hợp phương án quy hoạch chi tiết của dự án xây dựng NƠXH do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư số 20 năm 2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH, đối với phần kinh doanh thương mại trong dự án NƠXH quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 100 (được xác định cụ thể trong dự án xây dựng NƠXH được cấp có thẩm quyền phê duyệt) thì chủ đầu tư được bán, cho thuê, cho thuê mua theo giá kinh doanh thương mại (trong cơ cấu giá đã bao gồm cả tiền sử dụng đất) cho các đối tượng có nhu cầu để bù đắp chi phí đầu tư NƠXH, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH và giảm chi phí quản lý, vận hành NƠXH của dự án.

Như vậy, Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ và Thông tư số 20 năm 2016 của Bộ Xây dựng không quy định hạn chế về đối tượng được mua, thuê, thuê mua phần diện tích sàn nhà ở của dự án NƠXH để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014; khoản 1 Điều 75 Nghị định số 99 ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở và khoản 2 Điều 75 Nghị định số 99 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 Điều 1 của Nghị định số 30/2021/NĐ-CP) thì tổ chức nước ngoài chỉ được mua, thuê mua nhà ở thương mại (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

 

Vinhomes sẽ xây 500.000 căn nhà ở xã hội giá dưới 1 tỷ

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, vừa công bố dòng sản phẩm mới tại Đại hội cổ đông thường niên Vinhomes tổ chức mới đây. Theo đó, Vinhomes sẽ triển khai các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home trên toàn quốc.

Doanh nghiệp này đặt mục tiêu hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới. Quy mô các dự án khoảng 50-60 ha tại vùng ven tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Trước mắt, Vinhomes sẽ triển khai dự án tại Hà Nội, TP HCM.

Vinhomes cho biết Happy Home là những dự án đô thị độc lập, tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại của Vinhomes, hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của Vinhomes.

Doanh nghiệp nhấn mạnh Happy Home là mô hình nhà ở xã hội “full tiện ích” đầu tiên tại Việt Nam với hệ sinh thái tiện ích đầy đủ và tiện lợi, đảm bảo chất lượng sống tốt cho cư dân như khu vui chơi trẻ em, sân thể thao, công viên với quy mô phù hợp phân khúc giá bán dự kiến cho các căn hộ khoảng từ 300 triệu đến 950 triệu đồng/căn.