Đơn hàng chậm lại, doanh thu tháng 2 của Sao Ta giảm 16%
Theo báo cáo kinh doanh hợp nhất tháng 2 công bố mới đây, Sao Ta ghi nhận doanh thu 11,3 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ và giảm khá mạnh so với 19,4 triệu USD ghi nhận trong tháng 1. Nguyên nhân do công ty giải trình là lịch nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 nên FMC chỉ hoạt động 21 ngày, đơn hàng ít và nguyên liệu tôm hạn chế do cuối vụ.
Về tình hình tiêu thụ, tôm thành phẩm đạt 982 tấn và nông sản thành phẩm đạt 87 tấn, lần lượt giảm 9% và 21% so với tháng 2/2023.
Sản lượng tôm thành phẩm trong tháng 2 đạt 931 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Còn sản xuất nông sản thành phẩm đạt 63 tấn, giảm 69%.
Tháng trước, doanh số của FMC đạt 19,2 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1.614 tấn (tăng 45%), tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 189 tấn (tăng 16%).
Chia sẻ về kế hoạch phát triển trong năm nay, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho hay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản; duy trì các thị trường đang có; chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc, trên nền tảng phát huy thế mạnh của mình.
Doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải tiến đa dạng hóa sản phẩm nhưng phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng. Các sản phẩm cần tăng sản lượng nhằm phát huy thế mạnh là tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi, đồng thời nỗ lực giữ thị phần cho các mặt hàng tôm khác.
Ngành tôm kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 1 đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.
Những thị trường chính của ngành tôm trong tháng 1 vẫn là Trung Quốc với 42 triệu USD, Mỹ với 41 triệu USD. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu cũng có sự tăng trưởng trong tháng 1, lần lượt đạt 37 triệu USD, 23 triệu USD và 30 triệu USD; tương ứng tăng 30%, 21% và 22% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ trên website: "Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho biết thị trường chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng cao của tháng đầu năm 2024 vẫn mang lại cảm xúc tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.
Vẫn còn đó những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đối mặt như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn…
Những thách thức mới như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ làm khó cho doanh nghiệp...".
Tuy nhiên, bà Sắc cho rằng ngành có thể hy vọng nửa cuối năm giá bán sẽ tốt hơn khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu của các thị trường hồi phục. Cùng với đó, bà hy vọng ngành tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, ngành hải sản sẽ được tháo gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian nhanh nhất.