Sao Ta mở đầu năm 2024 thuận lợi, doanh thu hơn 19 triệu USD
Trong báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 1 vừa công bố, FMC ghi nhận sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.250 tấn, gấp đôi cùng kỳ. Còn sản xuất nông sản thành phẩm 65 tấn, bằng 80% so cùng kỳ năm trước.
Tình trạng tiêu thụ cũng khả quan trong tháng đầu năm. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1.614 tấn, tăng 45% so cùng kỳ năm trước, còn sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 189 tấn, tăng 16% so cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1, doanh số FMC đạt 19,2 triệu USD (khoảng 460 tỷ đồng), tăng 26% so với cùng kỳ.
Theo chia sẻ của FMC, các nhà máy chế biến của công ty đang tất bật chế biến trước đơn hàng, chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất đầu năm âm lịch ngay khi vào việc lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 8 ngày.
“Năm nay công nhân trại tôm và lãnh đạo công ty sẽ có trải nghiệm đón cái Tết đầu tiên ở trại tôm, bởi đây là năm đầu tiên công ty triển khai tôm mùa nghịch đã thả giống từ cuối tháng 11/2023”, FMC cho biết.
Kết quả trong tháng 1 đã nối dài kết quả tích cực của doanh nghiệp này từ cuối năm 2023. Trong quý IV/2023, FMC ghi nhận doanh thu thuần 1.253 tỷ đồng và lãi ròng 82 tỷ đồng, tăng tương ứng 3% và 6% so với cùng kỳ. Theo FMC, kết quả tích cực đến từ “vùng nuôi có kết quả khá khả quan, góp phần giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, dẫn đến mức lợi nhuận khá ổn”.
Luỹ kế cả năm 2023, FMC ghi nhận 5.087 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với năm 2022. Doanh thu bán thuỷ sản chiếm 87%, còn lại là doanh thu từ bán hàng nông sản. Lợi nhuận ròng năm ghi nhận gần 305 tỷ đồng, giảm 7%.
Theo kế hoạch hành động năm 2024, FMC sẽ theo đuổi mục tiêu mới là khai phá thị trường lớn lân cận Việt Nam. Trong đó, công ty sẽ tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản, duy trì các thị trường đang có, chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cải tiến đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng.
Tính đến hết năm 2023, FMC có 3 nhà máy (Nam An, Sao Ta và Tin An) và 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn, sản lượng cung cấp dự kiến trên 16.000 tấn/năm.
Trong đó, nhà máy Nam An (chủ lực là 3 mặt hàng tôm duỗi, tôm bao bột và tôm chiên) dự kiến chế biến trên 12.000 tấn thành phẩm trên năm; nhà máy Sao Ta (chủ lực 2 mặt hàng chính là sushi và IQF tươi/luộc) dự kiến chế biến trên 7.000 tấn thành phẩm; còn nhà máy Tin An (chủ lực 2 mặt hàng chính là tôm bao bột và tôm chiên) dự kiến sản lượng chế biến trên 2.000 tấn.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề với tôm giống, vùng nuôi của FMC được kỳ vọng sẽ giúp đạt sản lượng tối đa và giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị mọi mặt và tích cực cho công tác chống bán phá giá và chống trợ cấp trong năm 2024.