Dragon Capital lạc quan khi dự đoán triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

V.B 11:13 | 13/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo mới công bố, Dragon Capital cho rằng sau khi làn sóng COVID-19 qua đi, kinh tế Việt Nam có thể đạt 7% tăng trưởng năm nay, và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được.

 

Cũng theo báo cáo của Dragon Capital, bất chấp những sự biến động của toàn cầu thì kinh tế Việt Nam vẫn có một khởi đầu vững chắc và ổn định trong quý I. Sự ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín, khi Fitch và Moody’s duy trì tín nhiệm ở mức BB và Ba3 với triển vọng tích cực.

Nguồn: Dragon Capital.

Quý I đạt mức 5%, cao hơn mức 4,7% và 3,7% của cùng kỳ năm 2021 và 2020. Lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục là đầu tàu kinh tế, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, và là cơ sở cho sự tăng trưởng của hoạt động thương mại.

Xuất khẩu tăng 13,4% đạt mức 89,1 tỷ USD và nhập khẩu tăng 15,2% đạt 87,6 tỷ USD, tương ứng với mức thặng dư 1,5 tỷ USD 3 tháng đầu năm.

Ngành dịch vụ (tăng 4,6% so với cũng kỳ) đã đánh dấu cho sự trở lại ngoạn mục từ tháng 10 năm ngoái và được kỳ vọng trở thành động lực mới dẫn dắt kinh tế phục hồi trong thời gian tới, khi Việt Nam đã mở cửa lại các chuyến bay quốc tế và đặt mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt khách nội địa trọng năm 2022.

Ngành nông nghiệp, thủy hải sản và lâm nghiệp có sự phân hóa chỉ tăng 2,45% trong quý I. Sự leo thang của giá của phân bón và thức ăn gia súc làm gây áp lực đối với chăn nuôi, nhưng các lĩnh vực khác lại đang được hưởng lợi với sự giá tăng về giá xuất khẩu và đơn hàng đi nước ngoài.

Nguồn: Dragon Capital.

Dragon Capital nhận định sự phục hồi kinh tế có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa nếu biến chủng Omicron không lan mạnh.

Số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng vọt trong tháng 2 và tháng 3, đạt đỉnh ở mức 270.000 ca vào giữa tháng 3, sau đó giảm dần về khoảng 50.000 ca.

Sự lây nhiễm chéo giữa công nhân gây nên tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời trong các nhà máy, và kéo giảm chỉ số sản xuất PMI từ 54,3 điểm về 51,7 điểm. Ngoài ra, đợt dịch COVID-19 vừa qua cũng làm ảnh hưởng tới lượng vốn FDI đăng ký mới, giảm 12,1% trong quý I về 8,9 tỷ USD.

Nguồn: Dragon Capital.

Việt Nam đã nhanh chóng có những giải pháp để khắc phục những khó khăn do biến chủng mới gây ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định nới trần giờ làm thêm từ 40 lên 60 giờ trong 1 tháng và giảm bớt các yêu cầu về cách ly đối với các trường hợp được tiêm đủ hai liều vắc xin, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hoàn thành các đơn hàng lớn đã ký đến hết quý III.

Các dự án đầu tư cũng được kỳ vọng sẽ được nhanh chóng triển khai trở lại trong quý II khi mà chuyến bay quốc tế được khôi phục trở lại và các hạn chế COVID-19 cũng đang dần được gỡ bỏ.

Nói về yếu tố rủi ro đều đến từ bên ngoài, Dragon Capital cho rằng căng thẳng địa chính trị và tái phong tỏa tại Trung Quốc đã làm tăng thêm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng giá hàng hóa và tác động đến lạm phát.

Chỉ số CPI tháng 3 tăng 2,4% từ mức 1,5% của tháng 2 nhưng vẫn rất thấp nếu so với ở 7,9% Mỹ và 7,5% hâu Âu. Áp lực từ giá xăng dầu có thể sẽ được giảm tải bớt khi Chính phủ đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (tương ứng mức giảm 6,7% trên giá).

Tuy nhiên, vấn đề về chính sách Zero-COVID của Trung Quốc – quốc gia chiếm 24,8% tổng thương mại và 31% du khách nước ngoài của Việt Nam, có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới các hoạt động xuất nhập khẩu linh kiện, đồ điện điện tử và sự phục hồi của ngành du lịch. Mức độ nghiêm trọng của rủi ro này sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ duy trì chính sách hiện tại trong bao lâu và sẽ điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới.