Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt 5,8%
Tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, trong 9 tháng vừa qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đầu tiên là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Trong kết quả này, quý III GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này đã bù cho kết quả các quý trước và 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.
Để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước. Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.
Đầu tiên, tôi đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng vừa qua. Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.
Thứ hai, chúng ta cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.
Điểm sáng thứ ba là giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.
Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.
Cũng tại buổi Tọa đàm, đánh giá về sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, trên thực tế chúng ta nhìn thấy điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Tất cả những điều này đang tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đang ở vị trí nào và ứng phó ra sao? Dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9 năm 2023 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. Chúng ta hãy chú ý đến cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả.
Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được. Như Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, đầu tư, chi tiêu công có tốc độ tích cực, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, NHNN Việt Nam thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Theo ấn phẩm ADOU 2023 gần đây của ADB, dự báo tăng trưởng khu vực được điều chỉnh giảm xuống 4,7% cho năm 2023 và duy trì ở mức 4,8% cho năm 2024.
Việt Nam không phải nước duy nhất ADB hạ mức dự báo tăng trưởng. Trong khu vực Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế hầu như yếu hơn trên toàn khu vực. Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Timor-Leste đều dự kiến sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn trong năm nay. Chỉ một vài nước có triển vọng sáng sủa hơn, bao gồm Brunei Darussalam, Indonesia và Thái Lan.
ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời.
Ngoài ra, nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.
Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. Theo Giám đốc ADB tại Việt Nam, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân.
Lý giải về việc ADB luôn đưa ra những dự báo rất lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho biết: ADB giảm tốc độ tăng trưởng dự báo của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,8% cũng như giảm dự báo của cả khu vực Đông Nam Á xuống 4,5%. Nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực nhờ có những chính sách đúng đắn. Đầu tiên là Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tốt, ngành du lịch dịch vụ đang khôi phục. Đây là lý do tại sao chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 5,8% là có thể đạt được.
Nông nghiệp tăng trưởng 3,4% cũng là nền tảng tốt cho phát triển kinh tế chung. FDI ổn định trong 9 tháng vừa qua và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là triển vọng tốt chúng tôi nhìn thấy.
Lạm phát đang được Việt Nam kiểm soát tốt, tiêu dùng trong nước thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm. Thêm vào đó, nếu như thúc đẩy được giải ngân đầu tư công các hoạt động về sản xuất, chế tạo cũng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều ngành khác của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây là lý do mà ADB đưa ra dự báo tăng trưởng 5,8% đối với nền kinh tế Việt Nam.
Cuối cùng Giám đốc ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,8% trong năm nay. Chúng ta cũng thấy mong muốn cao của Chính phủ trong kịch bản điều hành là 6%. Để đạt điều đó, chúng ta phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP quý IV là trên 10%, đây là mong muốn rất cao. Phải nói rằng có rất nhiều rủi ro chúng ta phải đối mặt nằm ở yếu tố bên ngoài, từ những bất ổn do xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao, thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước,… nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và khó dự báo. Tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng kể cả không đạt được 5,8% hay 6%, chỉ ở 5,6-5,7% cũng là nền tảng tốt, tích cực để chúng ta tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Điểm nữa tôi nghĩ chúng ta cần tập trung là thúc đẩy tiêu dùng trong nước, bởi nó nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nó phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ. Chúng ta cần giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ như tạo ra những động lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước bằng cách tăng thu nhập của dân, giúp người dân có nhiều tiền hơn để tiêu dùng.
Trước tiên là chúng ta phải duy trì được động lực tăng trưởng về tài khóa hiện nay. Theo chúng tôi, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6% như lựa chọn của Chính phủ, rất cần giải pháp tài khóa mạnh mẽ. Phải tăng tốc độ giải ngân đầu tư công. Dù giải ngân đầu tư công hiện được 51% là mức khá cao nhưng vẫn là chưa đủ so với mục tiêu đặt ra.
Giám đốc ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta cần giúp người dân có thêm tiền để tăng tiêu dùng trong nước và thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nỗ lực tái cơ cấu thị trường lao động. Một điểm nữa như đã nói là lạm phát đang được kiểm soát tốt, tỉ giá cũng đang được kiểm soát, Chính phủ đang có dư địa rất lớn đối với chính sách tài khóa, chính sách tín dụng. Do vậy cần phải phối hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và tín dụng để bảo đảm có nguồn tiền hiệu quả hơn đưa vào nền kinh tế.
Đối với tính bền vững về trung và dài hạn, việc xanh hóa nền kinh tế tập trung nhiều vào thích ứng với biến đổi khí hậu rất quan trọng. Chúng ta phải bảo đảm giá trị đồng tiền đầu tư và tập trung vào tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, xanh hóa nền kinh tế. Có thể không đem lại lợi ích tức thời trong 3 tháng tới nhưng đem lại lợi ích trung và dài hạn để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.