Dự án bỏ hoang ở Hà Nội: 'Có anh hết tiền, có anh thừa tiền nhưng vẫn ôm đất để đó!

10:44 | 15/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giữa trung tâm Hà Nội còn rất nhiều lô đất vàng, với vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không xây dựng, cùng với đó là nhiều dự án triển khai dở dang và dừng thi công nhiều năm.
Lời tòa soạn: Có dự án xin đất rồi để đó, có doanh nghiệp cũng ôm đất rồi xin điều chỉnh quy hoạch, có doanh nghiệp lại vướng về giải phóng mặt bằng hay có doanh nghiệp nhiều năm gom đất, sở hữu rồi giờ chờ đề xuất xin Ủy ban, Thủ tướng nâng tầng…Tất cả làm nên muôn vẻ các dự án bỏ hoang đất đai ở Hà Nội.

Mặc dù được kỳ vọng sẽ làm thay da đổi thịt bộ mặt Thủ đô bằng hàng loạt các dự án “khủng”, thế nhưng, nhiều dự án vẫn để "đất vàng" hoang hóa, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích...
 
Dự án bỏ hoang ở Hà Nội: 'Có anh hết tiền, có anh thừa tiền nhưng vẫn ôm đất để đó! - ảnh 1
 
Trong một văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND TP. Hà Nội cho biết, tại Thủ đô có tới hơn 300 dự án “treo” rải rác khắp các địa bàn quận, huyện, khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án, gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất…

Thực tế hiện nay, không ít dự án được quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”, khiến quỹ đất hoang hóa ngày một gia tăng; đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, thì tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.
 
Ngoài những hiện trạng đã nêu, thực tế hiện nay, rất nhiều khu “đất vàng” tại Thủ đô cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

Vậy, nguyên nhân thực sự của hiện trạng trên từ đâu? Vì sao doanh nghiệp vẫn cố ôm “đất vàng” không chịu triển khai dự án? Thông tin với báo chí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư - TP. Hà Nội cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, dẫn đến các khu “đất vàng” bị bỏ hoang, có thể kể đến như chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng trong khâu giải phóng mặt bằng,…

Cũng theo vị đại diện này, quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... đang gây ra nhiều hậu quả đối với kinh tế - xã hội.

Ví như, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 100 m là lô đất vàng đang bỏ hoang được cho là thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh. Lô đất rộng tới 4.000 m2 có 2 mặt tiền trên phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng. Cách đó khoảng 100 m là lô đất bỏ hoang của Ngân hàng SHB.

Lô đất mà ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB thu gom nhiều năm trước rộng khoảng 2.200 m2 có tới 3 mặt tiền trên phố Vọng Đức, Hàng Bài và Lý Thường Kiệt. Chi phí để có được lô đất này cũng được cho lên đến 1 tỷ mỗi m2. SHB có kế hoạch xây dựng trụ sở của mình cao tới 13-15 tầng, nhưng quy định chỉ tối đa là 8 tầng. Doanh nghiệp hiện vẫn chờ cấp phép.

Trong khi Hà Nội trình đề xuất Thủ tướng nâng tầng dự án này khiến dư luận hoài nghi và lo lắng về việc tăng mật độ dân cư phá vỡ quy hoạch và gia tăng áp lực lên hạ tầng đô thị khu vực trên phố.

Tại quận Hai Bà Trưng còn một lô đất vàng bỏ hoang rộng lớn khác cũng được cho là sở hữu của Tân Hoàng Minh.

Lô đất có được từ sự di dời của 2 nhà máy rượu Hà Nội và dệt kim Đông Xuân ra khỏi nội thành, có 3 mặt tiền thuộc phố Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ và Ngô Thì Nhậm. Hiện tại, một phần diện tích đã được dùng để xây dựng 2 trường học cho quận Hai Bà Trưng. Lô đất đối diện Tổng cục Thuế này dự kiến được Tân Hoàng Minh xây dựng căn hộ cao cấp. Thời gian triển khai cụ thể vẫn chưa rõ.

Một lô đất lớn khác tại quận Nam Từ Liêm cũng đang bỏ hoang rộng tới 4,3 ha. Lô đất này từng được Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) dự kiến xây dựng khách sạn sang trọng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với số vốn 500 triệu USD.

Tuy nhiên, sau đó dự án không thể triển khai, lô đất bị bỏ hoang gần chục năm qua. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất vàng gồm lô B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Công ty Cổ phần đầu tư Thùy Dương (TD Group) do chậm triển khai nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất và không có cơ sở pháp lý để cho phép tiếp tục triển khai dự án. Lô đất này đang bị sử dụng sai mục đích như làm sân bóng đá, gara…; một phần bị bỏ hoang, ngập trong rác.

Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội giao lô đất B9 khu đô thị Nam Trung Yên với tổng diện tích 18.328m2 cho TD Group làm dự án. Sau đó, TD Group liên danh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) lập ra Công ty Cổ phần Handico - Thùy Dương.

Tuy nhiên, tháng 8/2015, Handico bất ngờ xin rút khỏi liên danh và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Công an thành phố Hà Nội đã có ý kiến đánh giá về sai phạm của dự án này. UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cần thu hồi toàn bộ các khu đất này để đưa vào quản lý sử dụng; Công an thành phố Hà Nội cần phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý các đối tượng. Gần đó, khu đất dịch vụ ký hiệu C2 thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) cũng bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Khu đất này được Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) thực hiện dự án y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ dân cư, nhưng lại bị bỏ hoang.

Ở ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, một lô đất vàng cũng quây tôn che kín từ nhiều năm nay. Lô đất này từng dự kiến xây dựng Tháp Tài chính Quốc tế (IFT), một biểu tượng mới của thủ đô. Thế nhưng nhiều năm qua, dự án vẫn án binh bất động. Trên đường vành đai 3 có một lô đất bỏ hoang nhiều năm nay, từng dự kiến triển khai dự án Nam Đàn Plaza.

Dự án được quảng bá là tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, văn phòng... có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – ông Lê Hoàng Châu, cho biết về khách quan, chủ yếu do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, bởi chồng chéo về pháp luật. Về mặt chủ quan có thể do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ, như tại TP.HCM cũng có ô đất bỏ hoang hơn chục năm ngay trung tâm quận 1.

Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA đánh giá, năng lực của Chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung gì đó ở đây mà lợi ích đó đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. Ngoài ra, cũng có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý (là lợi ích, là hiệu quả của dự án – PV) dẫn đến việc Nhà đầu tư chần chừ triển khai.

Đồng thời, Nguyên Thứ trưởng cho rằng việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn. uy nhiên, việc thu hồi chậm trễ ngày nào thì nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó.

Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Ngoài ra, việc cương quyết thu hồi theo GS. Đặng Hùng Võ có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.

Qua trao đổi, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, bởi nếu chính quyền muốn thu hồi, thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Thực tế, với những khó khăn, phức tạp, nên hiện có dự án bị “treo” cả chục năm, nhưng vẫn chưa thể thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.
 
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng phải ngao ngán cho rằng, có doanh nghiệp ôm đất vì đầu cơ, có doanh nghiệp thực sự là năng lực hạn chế, giai đoạn khủng hoảng họ hết tiền song cũng có doanh nghiệp thừa tiền song vẫn chưa triển khai dự  án vì họ còn chờ điều chỉnh xin quy hoạch, xin thêm tầng...

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 dự án bỏ hoang ở Hà Nội. Theo đó, báo chí phản ánh về nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện TP Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất...

Trong khi đó, còn nhớ cách đây 1 năm, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
 
Dự án bỏ hoang ở Hà Nội: 'Có anh hết tiền, có anh thừa tiền nhưng vẫn ôm đất để đó! - ảnh 2

Tại Nghị quyết trên, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án ngoài ngân sách dử dụng đất đao chậm, vi phạm luật đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định.
HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND thành phố đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai trên cổng giao tiếp điện tử thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội tại phiên giải trình về kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, thành phố hiện có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau.
Phổ biến nhất vẫn là 40 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa; 47 dự án chậm tiến độ thực hiện trên 24 tháng; 22 dự án chậm hoàn thành công tác; 4 dự án chậm nghĩa vụ tài chính.

Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết... Nhằm làm rõ những nguyên nhân, các vướng mắc trong từng dự án cụ thể chúng tôi sẽ đề cập phân tích chi tiết ở tuyến bài kế sau.

PV (TH)