Dự án kém hiệu quả, trả lại vốn đầu tư công là việc đáng hoan nghênh?
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố thể hiện, tính chung 7 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; TP. Hồ Chí Minh 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%...
Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội giao thẩm quyền điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, mục đích là đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả.
Từ tháng 8/2020, việc điều chuyển vốn của những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 theo kế hoạch để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kết thúc kế hoạch vốn đầu tư công năm nay. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Tại Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng năm 2020 mới đây, hầu hết các bộ, ngành đều phàn nàn về đại dịch COVID-19 - một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quá trình giải ngân chậm.
Theo tin đăng trên báo Dân Trí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan này nhận được văn bản đề nghị từ một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xin chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chuyển cho nơi khác, với tổng số 6.338 tỷ đồng. Trong số này, vốn trong nước 341,6 tỷ đồng và vốn nước ngoài gần 5.996,5 tỷ đồng.
Theo VTV.vn, riêng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chiếm hơn 1.800 tỷ đồng với lý do "không có nhu cầu sử dụng". Trước đó, cơ quan này được giao hơn 3.600 tỷ đồng vốn nước ngoài, và đã có 3 văn bản đề nghị xin được điều chuyển số vốn còn lại không dùng tới.
Ngoài ra, danh sách xin trả vốn còn có 8 bộ, cơ quan Trung ương cùng 9 địa phương là Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Cần Thơ cũng xin chuyển trả lại kế hoạch để điều chuyển cho đơn vị khác.
Liệu lý do của việc không thể giải ngân do năng lực quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm hay đây là giải pháp để tiết kiệm ngân sách nhà nước trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế đang suy kiệt và rất cần sự cứu trợ?
Trao đổi với báo này về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, việc trả lại vốn ngân sách cho Nhà nước khi cảm thấy dự án triển khai sẽ kém hiệu quả là việc rất đáng hoan nghênh.
Điều này còn hơn là chúng ta cứ cố giải ngân trong khi hiệu quả kinh tế mang lại không xứng đáng. Đấy là chưa tính, nếu dự án cố giải ngân theo tâm lý "tiền chùa tiêu cho hết" sẽ dẫn đến tình trạng đội vốn. Sẽ rất tồi tệ nếu cứ tiếp tục để xảy ra các dự án đội vốn.
Chúng ta cũng không nên chỉ trích việc trả lại vốn đầu tư công là do nặng lực giải ngân kém, công tác thẩm định dự án có vấn đề mà cần nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Không nhất thiết phải giải ngân cho bằng được trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang có nhiều biến động, có nhiều nhu cầu khác lớn hơn cả trước mắt và dài hạn".
Về câu hỏi, việc phê duyệt ngân sách trước đó liệu đã có nhiều bất cập hay không, bà Lan cho rằng: "Chúng ta phải thừa nhận là có rất nhiều dự án đầu tư công gây lãng phí, nguyên nhân là do công tác đánh giá ban đầu thiếu xác đáng. Dự án không thật sự cần thiết vẫn được phê duyệt theo kiểu ngành này được, ngành kia phải được, địa phương này có địa phương kia phải có, rồi đua nhau xin ngân sách.
Đã có những thay đổi sau khi chúng ta ban hành Luật Đầu tư công, tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của việc đầu tư công và quản lý vốn đầu tư công vẫn đang còn có nhiều vấn đề cần được cải thiện".
Lệ Vỹ (T/h)