Dự báo tăng trưởng kinh tế: Hạn chế 'sai một ly, đi một dặm'
Sau khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế của quý 1/2023 được công bố, với chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước chỉ đạt 0,7%, mức thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp 56/63 địa phương.
Con số này nằm ngoài tầm dự liệu của chính các chuyên gia và cả chính quyền thành phố. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là năng lực dự báo và các biện pháp hành động của chính quyền thành phố đang có vấn đề, hay việc dự báo đã sát với tình hình thực tiễn?
Phát biểu tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội quý 1/2023 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ lo lắng trong 3 năm gần đây tình hình diễn biến theo đúng tinh thần dự báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp và có những cái mơ hồ.
Hấp thụ vốn chậm, tín dụng TP.HCM tăng chưa tới 1% trong quý 1
Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ hội nhập sâu rộng, do đó các hoạt động ít nhiều đều bị ảnh hưởng từ tình hình thế giới và trong nước. Dù đã lường trước khó khăn và đề ra chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn, nhưng không ngờ kết quả lại xuống sâu, thấp hơn dự đoán nhiều như vậy.
Từ nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Nên cũng đặt ra câu hỏi: nguyên nhân do tác động từ bên ngoài là đương nhiên, nhưng "sức khỏe" kinh tế của thành phố rõ ràng vẫn còn có vấn đề. Với cơn bệnh này liệu "phác đồ điều trị" đã đúng chưa?
Câu hỏi này của người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh trúng vấn đề và cũng là băn khoăn chung của tất cả những ai quan tâm đến đầu tàu kinh tế của cả nước hiện nay. Khi đề cập đến kết quả tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng “không nằm ngoài dự báo nhưng bất ngờ với kết quả quá thấp đến như vậy."
Những chỉ số về tăng trưởng cũng như những lĩnh vực được xem là trụ cột, động lực phát triển của thành phố đều nằm ở “mức báo động đỏ” như chỉ số công nghiệp giảm 0,9%, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 4%, tín dụng tăng tưởng chưa tới 1%, thương mại dịch vụ tăng 2,07%, bất động sản... Có lẽ quá thấp so với kỳ vọng của chính quyền thành phố. Nhìn rộng hơn với quy mô cả nước, rõ ràng nhiều chỉ số, mục tiêu trong quý 1/2023 cũng đạt ở mức thấp.
Trong Báo cáo tăng trưởng quý 1/2023 của Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng UOB cho rằng, tăng trưởng GDP trong quý 1/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, giảm sâu từ mức 5,92% trong quý 4/2022.
Với khởi đầu thấp trong quý 1/2023, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6% so với dự báo trước đó là 6,6%.
Các chỉ số tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung đều không sát với các dự báo, kịch bản trước đó. Nó cũng xuất phát từ thực tế lâu nay, những vấn đề liên quan đến công tác dự báo vẫn còn mang tính chất chung chung, nghe rất quen thuộc, điển hình như “dự báo sẽ còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, rủi ro nợ xấu gia tăng; nhiều ngành công nghiệp giảm hoặc tăng trưởng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn.”
Vì đâu nên nỗi, khi mà Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước, luôn có những cơ quan nghiên cứu, đánh giá, dự báo về tình hình phát triển kinh tế, thậm chí từ cơ quan cao nhất là Chính phủ, đến các địa phương, điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh có cả những tổ chuyên gia, nhóm tư vấn với rất nhiều chuyên gia hàng đầu để có những nghiên cứu, đưa ra các dự báo cập nhật thường xuyên cho công tác điều hành, chỉ đạo, thậm chí có những quyết sách quan trọng trên cơ sở đó.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, lâu nay, giới chuyên gia, nhà khoa học cả trong và ngoài nước khi nghiên cứu về tình hình kinh tế của nước ta, một trong những khó khăn lớn nhất là dữ liệu đầu vào có mức độ xác thực, tin cậy không cao. Từ đó, chắc chắn những tính toán, dự báo không thể có độ chính xác cao.
Từ những yêu cầu của thực tiễn, bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ cần có những dự báo sát với thực tế hơn, một cách khách quan, được đưa ra từ những luận cứ, con số đầu vào thực chất nhất, từ đó mới có những giải pháp phù hợp, đồng bộ để đưa nền kinh tế nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, hướng đến phát triển bền vững hơn.
Hay nói cách khác, nền kinh tế cần những con số thực, bắt đúng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp chứ không chỉ cần những “báo cáo đẹp, tô đậm những con số tích cực."
Những khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn rất nhiều phía trước, chính vì vậy càng đòi hỏi năng lực dự báo của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước phải được nâng cao hơn nữa, điều đó cũng có nghĩa phải hướng đến sự minh bạch, rõ ràng, linh hoạt hơn trong hoạt động thông tin, điều hành nền kinh tế.
Khi dự báo đúng, sát với thực tiễn, mới đảm bảo có các giải pháp điều hành, hỗ trợ, giải quyết một cách hiệu quả, thực chất nhất cho doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm thừa hành, thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị, tránh tình trạng “tiền hô, hậu lơ mơ, đùn đẩy” như một số nơi hiện nay. Chí ít đó là điều cần thiết đối với đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay./.