Đức: Kinh tế có thể rơi vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu thống kê mới nhất cho thấy đây là tháng thứ năm liên tiếp, các nhà máy ở Đức nhận được ít đơn đặt hàng hơn. Số đơn đặt hàng trong tháng 6/2022 đã giảm 0,4% so với tháng 5/2022. Mặc dù, mới quan sát, đây chỉ là một sự giảm sút nhỏ, nhưng con số đó cộng với mức giảm 5,6% trong quý II/2022 là đáng kể.
Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW, nhà kinh tế trưởng Jörg Krämer của ngân hàng Commerzbank cho rằng do tình trạng “thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các ngành công nghiệp của Đức vẫn tồn một lượng đơn hàng lớn chưa thực hiện, song số đơn này không đủ để bảo vệ những doanh nghiệp trước những khăn kinh tế sắp tới. Ông Krämer nhận định: “Nguy cơ suy thoái đang gia tăng".
Công ty đầu tư DekaBank của Đức dự báo có thể xảy ra suy thoái kỹ thuật, một giai đoạn hoạt động kinh tế giảm sút đáng kể và có thể kéo dài trong nhiều tháng. Ông Andreas Scheuerle, trưởng bộ phận phân tích của DekaBank cho biết: “Nguy cơ suy thoái có thể kéo dài từ quý IV/2022 sang quý II/2023".
Sản lượng công nghiệp sụt giảm chỉ là một triệu chứng của tình hình kinh tế khó khăn. Có một số lý do khiến các doanh nghiệp Đức đang phải đối mặt với tình trạng lao dốc. Cụ thể là tỷ lệ lạm phát cao như hiện nay tiếp tục làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Ông Scheuerle cho biết người dân không còn đủ khả năng mua nhiều như trước đây thậm chí không còn muốn mua nhiều nữa.
Bên cạnh đó là sự không chắc chắn về những chi phí bổ sung có thể phát sinh từ giá năng lượng cao do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và thuế khí đốt dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 10/2022. Một báo cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Người tiêu dùng Nuremberg (GfK) cho thấy sức mua sắm của người tiêu dùng Đức cũng giảm dần vào cuối tháng 7/2022.
Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu đang xuất hiện nhiều tín hiệu không mấy sáng sủa, ảnh hưởng đến thị trường nước ngoài. Tại Mỹ, một trong những điểm có mức doanh thu bán hàng quan trọng nhất của ngành công nghiệp Đức, tỷ lệ lạm phát cao đến mức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khiến người dân và doanh nghiệp chi tiêu ít hơn. Triển vọng nguồn cung khí đốt không rõ ràng cũng đang khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 có thể sẽ tăng trong mùa Đông này. Theo ông Scheuerle, Đức không thể áp dụng các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, ông nói cho rằng: “Nếu Chính phủ Trung Quốc tiếp tục triển khai chính sách “không Covid-19” nghiêm ngặt, với các tác động gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng. Ông Scheuerle khẳng định nếu một địa điểm quan trọng ở Trung Quốc bị cách ly, các tác động kinh tế có thể xuất hiện vào mùa Xuân năm sau".
Những xu hướng này cho thấy Đức đang đối mặt với “nguy cơ hữu hình của một cuộc suy thoái”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cuộc suy thoái này không có khả năng nghiêm trọng như năm 2008 hoặc suy thoái kinh tế trong những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19.
Ông Scheuerle nhận định: “Nền kinh tế Đức có thể giảm tối đa 0,4% trong năm nay và đà phục hồi sẽ không mạnh sau đó. Điều này một phần là do vấn đề thiếu khí đốt có thể sẽ tiếp tục thách thức các doanh nghiệp cho đến mùa Đông sang năm.
Tất cả những yếu tố trên có thể khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Đức chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài - đến những nơi có năng lượng rẻ hơn. Vì vậy, các rào cản hiện tại có thể dẫn đến những thay đổi cơ cấu lâu dài trong nền kinh tế".