Đức: 'Khả năng cắt dầu thô Nga là khả thi cuối mùa hè này'
Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck hôm 1/5 cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm tỷ lệ nhập khẩu năng lượng của Nga khoảng 12% đối với dầu, 8% đối với than và 35% đối với khí đốt tự nhiên. Đức đã phải chịu áp lực mạnh mẽ từ Ukraine và các quốc gia khác ở châu Âu trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, mức cắt giảm trị giá hàng tỷ euro.
“Tất cả các bước chúng tôi đang thực hiện đòi hỏi nỗ lực chung to lớn từ các bên. Nền kinh tế và người tiêu dùng có thể phải hứng chịu cái giá khá đắt”, ông Habeck cho biết trong một tuyên bố. "Nhưng việc thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga là cần thiết nếu Đức không còn muốn bị Nga 'tống tiền' bằng năng lượng."
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh cả Liên minh châu Âu xem xét sự khả thi của một lệnh cấm vận đối với dầu nhập khẩu từ Nga sau quyết định cấm nhập khẩu than của Nga từng bước bắt đầu từ tháng 8 tới đây. Khu vực này đang chi trả cho Nga 850 triệu USD mỗi ngày để nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Trong đó, Đức là một trong những nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu mặt hàng năng lượng của Nga.
Đức đã xoay sở để chuyển sang nhập khẩu dầu và than từ các nước khác trong một thời gian tương đối ngắn, điều này càng khẳng định “mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô của Nga ngay cuối mùa hè là hoàn toàn thực tế”, Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức cho biết.
Tuy nhiên, nỗ lực loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga là một thách thức lớn hơn nhiều.
Trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2, Đức đã nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga. Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức cho biết tỷ lệ này hiện đã giảm xuống còn 35%, một phần do nước này tăng cường mua khí đốt từ Na Uy và Hà Lan.
Để giảm hơn nữa sản lượng khí đốt mua từ Nga, Đức có kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở hạ tầng liên quan đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Bộ Năng lượng và Khí hậu Đức cho hay đang đặt mục tiêu đưa một số bến LNG nổi vào hoạt động sớm nhất trong năm nay hoặc năm sau. Đó là mốc thời gian đầy tham vọng mà cơ quan này thừa nhận rằng "đòi hỏi sự cam kết to lớn của tất cả các bên có liên quan."
Trước đó, Đức đã phản đối những lời kêu gọi EU về việc tẩy chay hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng bày tỏ sự lo lắng vào tuần trước khi Moscow tuyên bố ngay lập tức "khóa van" khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi 2 nước từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble. Các quan chức châu Âu đã cáo buộc những động thái đó của Moscow là “hành vi 'tống tiền' năng lượng”.
Ngân hàng trung ương Đức cũng cảnh báo việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga có thể khiến kinh tế rơi vào suy thoái vì giá cả tăng vọt và lạm phát gia tăng.