Nước Đức khó tránh khỏi suy thoái

Phương Lê (theo Reuters) 17:38 | 07/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gói cứu trợ 65 tỷ Euro nhằm giảm bớt sức ép do lạm phát được cho là sẽ không giúp nền kinh tế lớn nhất EU tránh được một cuộc suy thoái.

Ngày 4/9, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố gói cứu trợ tài chính thứ 3 trị giá 65 tỷ Euro (64,5 tỷ USD) nhằm cứu các doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với tình trạng khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng gói cứu trợ này không thể cứu nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi suy thoái. 

 Ảnh minh họa: Reuters. 

Nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank cho biết: “Gói cứu trợ thứ 3 không làm thay đổi thực tế rằng Đức có khả năng rơi vào suy thoái vào mùa thu”. Đồng quan điểm, nhà kinh tế trưởng của ING, Carsten Brzeski nói: "Gói này có thể sẽ không thành công trong việc ngăn chặn nền kinh tế rộng lớn hơn rơi vào suy thoái."

Một định nghĩa suy thoái được giới phân tích sử dụng rộng rãi là khi một nền kinh tế có hai hoặc nhiều quý liên tiếp tăng trưởng âm hoặc giảm dần. Nền kinh tế Đức tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận hẹp nhất trong quý thứ hai. Xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt, đại dịch và gián đoạn nguồn cung hiện đang đẩy nước này đi đến rủi ro suy thoái. 

Một cuộc khảo sát được công bố hôm 5/9 cho thấy lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng khi nhu cầu trong nước chịu áp lực từ lạm phát tăng cao và niềm tin suy giảm. Việc Nga quyết định ngừng bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 làm gia tăng thêm tình trạng khốn khó của Đức, mặc dù các kho dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 85% công suất vào hôm 3/9.  

Ông Kraemer nói: “Vốn là nước phụ thuộc vào năng lượng Nga đáng kể, gói cứu trợ không thể thay đổi được tình hình của Đức. Các công ty phải cắt giảm việc sử dụng năng lượng vốn đã trở nên đắt đỏ, cắt giảm sản lượng của họ cho phù hợp”. 

Viện Chính sách Kinh tế Vĩ mô (IMK) nhận thấy các biện pháp hỗ trợ mới nhất của chính phủ sẽ ngăn chặn sự sụt giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng trong những tháng tới, có thể giảm thiểu đáng kể hoặc thậm chí ngăn chặn suy thoái kinh tế đang rình rập.