Tổng giám đốc Đường Quảng Ngãi 13 lần liên tiếp lần không mua hết số cổ phiếu đã đăng ký
Cụ thể, từ ngày 16/2 đến ngày 13/3, ông Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc chỉ mua được 73.600 cổ phiếu trong tổng đăng ký 1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ mua thành công là 7,36% tổng lượng đăng ký, qua đó nâng sở hữu từ 7,38% lên 7,4% vốn điều lệ.
Với thị giá trung bình giai đoạn trên là 38.770 đồng/cp, ước tính ông Đàng đã chi hơn 2,8 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Lý do được Tổng giám đốc đưa ra để lý giải việc mua không hết số cổ phiếu đã đăng ký là do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Ngay sau đó, từ ngày 20/3 đến ngày 18/4, ông Võ Thành Đàng tiếp tục đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 7,68% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 tới nay, ông Võ Thành Đàng đã 13 lần đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu QNS. Tuy nhiên, có 5 lần không mua vào cổ phiếu nào và 8 lần mua một lượng nhỏ cổ phiếu so với đăng ký, tỷ lệ mua trung bình trong 8 lần đăng ký vừa qua là 36,6%.
Ở diễn biến khác, Đường Quảng Ngãi vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức ngày 1/4 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Tại cuộc họp, QNS sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu dự kiến đạt 8.400 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng, thấp hơn 22%. Nếu đúng với kế hoạch đề ra, đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của Công ty kể từ năm 2014.
Bên cạnh đó, công ty trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 ở mức tối thiểu 15% (1.500 đồng/cp), giảm một nửa so với năm 2022. Ngoài ra, QNS cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023.
Cổ phiếu ESOP dự kiến bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm, nguồn tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động của Công ty và giá phát hành sẽ theo giá sổ sách kế toán tại thời điểm 31/12/2023.
Về định hướng phát triển trong năm tài chính, đối với vùng nguyên liệu, công ty dự kiến tiếp tục đầu tư để phục hồi và phát triển vùng nguyên liệu mía và mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành trong nước.
Công ty thực hiện đầu tư vùng nguyên liệu mía theo hướng đầu tư trực tiếp cho người trồng mía và đầu tư qua giá mua mía để phục hồi và phát triển nguyên liệu mía tại vùng Đông Gia Lai, nâng tổng diện tích mía toàn vùng lên 30.000 - 40.000 ha nhằm đảm bảo cung ứng nguyên liệu mía với công suất ép 18.000 tấn mía/ngày.
Đối với kế hoạch đầu tư, QNS tiếp tục dự án mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày, dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê, dự án dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1.000 tấn đường/ngày; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án sản xuất Ethanol, dự án thịt từ thực vật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.