Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu đường, thêm triển vọng sáng cho doanh nghiệp mía đường

Lạc Lạc 12:23 | 05/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá đường được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao do Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu trong niên độ mới, bắt đầu từ tháng 10.

Giá đường thế giới còn tiếp tục tăng

Từ cuối năm 2022, giá đường thế giới liên tục tăng trước diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến nguồn cung ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc sụt giảm. Giá đường thế giới ghi nhận đà tăng từ vùng 17 cents/pound tháng 10/2022 lên đỉnh 10 năm ở vùng 27 cents/pound vào tháng 4 vừa qua, tức tăng 59%.

Sau đó, giá mặt hàng này giảm về 22 cents/pound và bật tăng trở lại vùng 25,6 cents/pound trước thông tin Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới (sau Brazil), xem xét cấm xuất khẩu đường.

 

Để đảm bảo nguồn cung nội địa, trong niên vụ 2022 – 2023, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước.

Mới đây, có thông tin Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10 tới. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua Ấn Độ đưa ra lệnh tạm dừng xuất khẩu đường.

Theo Cơ quan Dự báo thời tiết Ấn Độ, lượng mưa tại các địa phương trồng mía hàng đầu chiếm hơn nửa tổng sản lượng đường của quốc gia đông dân nhất thế giới đã thấp hơn 50% so với mức trung bình trong năm nay. Bên cạnh đó, mưa thất thường và rải rác cũng sẽ làm giảm sản lượng đường niên vụ 2023-2024 và có thể giảm trồng trọt trong niên vụ 2024 – 2025.

 Nguồn: VSSA, SSI Research

Trong báo cáo ngày 25/8 vừa qua, chứng khoán SSI Research cho rằng giá đường thế giới đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4, một phần do sản lượng của Ấn Độ giảm 5% so với cùng kỳ và xuất khẩu giảm 46% so với cùng kỳ. Việc này theo có khả năng tác động tích cực đến giá đường thế giới trong niên vụ 2023-2024. 

Theo đó, giá đường trong nước cũng tăng trong giai đoạn vừa qua. Giá gần như không đổi trong suốt quý I ở 18.000 đồng/kg thì đến đầu tháng 8 đã tăng lên 21.200 đồng/kg. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 871.000 tấn, tăng 16,6% so với niên độ 2022/2023 nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi. Dù vậy, SSI Research nhận định giá đường trong nước nhiều khả năng duy trì ở mức cao và cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. (Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT xem xét kiến nghị nhập 600.000 tấn đường, gấp đôi so với năm ngoái). 

Trong năm 2021 và 2022, các công ty trúng thầu trong hạn mức là QNS, SBT và VNM. Phần lớn đường nhập khẩu là đường thô, được sử dụng để sản xuất đường RE (đường tinh luyện). Do đó, SSI Research kỳ vọng các công ty có công suất luyện đường RE lớn như Thành Thành Công - Biên Hòa (mã: SBT) và Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) được hưởng lợi. 

Dự báo sáng sủa cho hai 'đại gia' ngành đường

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, trong năm tài chính 2022, sản lượng tiêu thụ của  Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) đạt 1 triệu tấn đường, trong đó khoảng 60% đến từ đường sản xuất từ mía và phần còn lại đến từ đường nhập khẩu.

Với việc áp thuế chống lẩn tránh thuế, SSI Research kỳ vọng SBT có thể dần chuyển sang nguồn mía đường cho nhu cầu sản xuất đường, do doanh thu đường từ mía có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với đường nhập khẩu. Đối với đường thô nhập khẩu, SBT sẽ dựa trên hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Bộ Công Thương cấp phép năm 2023.

Trong quý IV niên độ tài chính 2022-2023, SBT là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận lãi ròng giảm gần 3 lần, xuống gần 77 tỷ đồng. SBT cho biết nguyên nhân lợi nhuận suy giảm dù doanh thu hợp nhất tăng 24% so với cùng kỳ niên độ trước là do ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất thị trường, dẫn đến chi phí lãi vay công ty tăng mạnh.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC.

Xét kỳ BCTC niên độ 2022-2023, doanh thu thuần SBT đạt 24.831 tỷ đồng, tăng gần 35,2%. Lãi ròng 610 tỷ đồng, giảm 30%.

Trong năm tài chính 2023-2024, chuyên gia kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của SBT lần lượt đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ và 734 tỷ đồng, tăng 20%. SSI Research ước tính sản lượng tiêu thụ sẽ đạt 1,3 triệu tấn, tăng 2% trong đó 40% đến từ đường nhập khẩu. Giá bán trung bình của đường dự kiến sẽ tăng 6% và giá mía có khả năng tăng 5%. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể đạt 12,9% trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro đến từ giá đường thấp hơn kỳ vọng; Vay nợ cao khiến chi phí tài chính tăng và việc đầu tư vào các ngành kinh doanh khác (bất động sản, năng lượng).

Tương tự, Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng có thể tận dụng cơ hội nhờ nhu cầu đường trong nước tăng lên. Theo ban lãnh đạo QNS, tổng sản lượng đường ước tính đạt 200.000 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ trong năm 2023, nhờ mở rộng diện tích canh tác và sản lượng đường cao hơn. Ngoài ra, bắt đầu với chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh vào tháng 3/2023, QNS đã bắt đầu bán mặt hàng đường đóng gói với nhãn hiệu “Đường An Khê” thông qua các kênh thương mại hiện đại. Trong tháng 5/2023, công ty sẽ hợp tác với chuỗi bán lẻ BigC, Coop, Winmart để bán mặt hàng đường đóng gói này.

QNS hiện chiếm 13% thị phần đường cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc sau SBT. Nhà máy Đường An Khê của doanh nghiệp hiện có quy mô lớn nhất cả nước với công suất 1.000 tấn đường/ngày.

Tính riêng quý II, tại báo cáo tài chính, QNS ghi nhận doanh thu thuần 3.152 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong cùng kỳ chỉ tăng 39,6%, do vậy lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đã tăng vọt 52% lên mức 997 tỷ đồng.

Cùng đó, QNS báo lãi ròng gần 712 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua nhưng một số sản phẩm của QNS vẫn duy trì mức tiêu thụ ổn định và tăng trưởng cao như sản phẩm Đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133% và doanh thu tăng 151%; sản phẩm Nha có sản lượng tiêu thụ tăng 13% và doanh thu tăng 14%; Điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35% và doanh thu tăng 39%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, QNS ghi nhận 5.282 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.028 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng gần 32% và tăng 90% so với nửa đầu năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp đường này đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.

  Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC.