ECB: Lợi nhuận trong Eurozone tiếp tục gây sức ép lên lạm phát

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+) 07:59 | 30/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nghiệp đã tăng giá trước khi chi phí tăng trong năm 2022, đẩy lạm phát lên mức hai con số vào mùa Thu, buộc ECB phải tăng lãi suất nhanh chóng để hạ nhiệt nhu cầu.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 29/6 cho thấy một thước đo quan trọng về khả năng sinh lời của các công ty trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong quý trước, tiếp tục gây sức ép lên lạm phát.

Các doanh nghiệp đã tăng giá trước khi chi phí tăng trong năm 2022, đẩy lạm phát lên mức hai con số vào mùa Thu, buộc ECB phải tăng lãi suất nhanh chóng để hạ nhiệt nhu cầu, để họ có thể bắt đầu đáp ứng nhu cầu lương cao hơn.

Mặc dù ECB thường đổ lỗi cho việc tăng lương nhanh chóng gây sức ép lạm phát, song chỉ số điều chỉnh giá của tất cả hàng hóa và dịch vụ, đã tăng lên gấp bốn lần mức trung bình trong quý trước, trong đó lợi nhuận chứ không phải tiền lương đóng góp phần lớn vào điều này.

Trong một bài báo trên Bản tin Kinh tế, ECB cho biết trong quý đầu tiên của năm 2023, tốc độ tăng trưởng hàng năm của chỉ số điều chỉnh giá của khu vực Eurozone đạt mức cao kỷ lục 6,2%, tăng so với mức 5,7% trong quý trước đó, sau khi chạm mức thấp 0,6% trong quý 2/2021.

[Tăng trưởng kinh tế Eurozone chậm lại, thấp nhất trong 5 tháng qua]

ECB cho biết thêm sự đóng góp của lợi nhuận theo đơn vị đặc biệt lớn trong ba quý vừa qua, chiếm khoảng 60% tổng mức tăng trong chỉ số điều chỉnh giá.

Mặc dù việc giảm biên lợi nhuận vẫn chưa rõ ràng, nhưng ECB đã nhắc lại quan điểm từ lâu rằng điều này cuối cùng sẽ xảy ra và các doanh nghiệp sẽ bắt đầu đáp ứng một số nhu cầu về tiền lương tăng thêm của người lao động, do đó ECB sẽ chịu áp lực tăng lãi suất.

Trong tương lai, việc giải tỏa nhu cầu bị dồn nén liên quan đến đại dịch, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung giảm bớt và tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ giảm có nghĩa là các công ty phải chịu nhiều sức ép hơn để đáp ứng nhu cầu tăng lương mạnh mẽ.

Các hộ gia đình vẫn đang dựa vào số tiền tiết kiệm dồi dào tích lũy được trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục chi tiêu, trong khi biến động giá năng lượng đã tạo ra lí do dễ dàng hơn cho các công ty tăng giá. Những dự báo về các cú sốc năng lượng ngày càng nhiều đang thúc đẩy các công ty chuẩn bị “quỹ dự phòng” cho các cú sốc tiếp theo./.