Elon Musk và Jeff Bezos đang giành giật không gian cho vệ tinh trên vũ trụ

22:11 | 27/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty SpaceX của Elon Musk muốn hạ độ cao quỹ đạo vệ tinh Starlink, nhưng Amazon của Jeff Bezos phản đối vì lo ngại va chạm với vệ tinh Kuiper do tập đoàn này phát triển.
CNN đưa tin, SpaceX cáo buộc Amazon "kìm hãm sự cạnh tranh", còn Amazon cáo buộc SpaceX tìm cách "ngăn chặn cạnh tranh từ trứng nước".

Cụ thể, theo Bloomberg, startup dịch vụ thương mại không gian SpaceX của tỷ phú Elon Musk mới đây yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho phép vận hành vệ tinh Starlink ở quỹ đạo thấp hơn so với kế hoạch ban đầu.
 
Elon Musk và Jeff Bezos giành giật không gian cho vệ tinh
SpaceX của người giàu nhất thế giới, tỷ phú Elon Musk, phóng vệ tinh Starlink. Ảnh: AFP

Ngay sau đó, Amazon của tỷ phú Jeff Bezos khẳng định động thái này sẽ gây nhiễu và va chạm với các vệ tinh Kuiper do tập đoàn này phát triển. Cả hai vệ tinh Starlink và Kuiper đều được thiết kế để phát dịch vụ Internet từ không gian.

Kế hoạch hiện nay của Amazon bao gồm việc đưa một số vệ tinh của nó vào quỹ đạo cách bề mặt trái đất khoảng 590km. Những thay đổi của SpaceX cũng sẽ cho phép công ty này đặt gần 3.000 vệ tinh ở độ cao từ 540 và 570km.

Tỷ phú Elon Musk, CEO của SpaceX, có giá trị tài sản ròng ước tính 209 tỷ USD. Jeff Bezos, CEO của Amazon, có giá trị tài sản ròng ước tính là 192 tỷ USD. (Để so sánh, 192 tỷ USD thậm chí còn cao hơn GDP hàng năm của hơn một nửa số quốc gia trên thế giới trong năm 2020, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế).

Tâm điểm của cuộc tranh cãi là nỗ lực gần đây của SpaceX sửa đổi giấy phép cho Starlink - "chòm sao" vệ tinh Internet khổng lồ mà SpaceX đã phóng hơn 900 vệ tinh.
 
Elon Musk và Jeff Bezos giành giật không gian cho vệ tinh
Cuộc tranh cãi của Elon Musk và Jeff Bezos vốn thường chỉ giới hạn trong các hồ sơ pháp lý, giờ được công chúng đặc biệt quan tâm. Ảnh: Business Insider

"Những thay đổi do SpaceX đề xuất sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh giữa các hệ thống vệ tinh", đại diện Amazon đăng tweet hôm 26/1. Tập đoàn này nhấn mạnh điều đó "không đem lại lợi ích cho cộng đồng".

SpaceX khơi mào "cuộc chiến" mới khi muốn vệ tinh của mình hạ độ cao quỹ đạo, giúp hệ thống Internet Starlink cải thiện tốc độ băng thông và giảm nguy cơ bị các mảnh vỡ trong không gian va phải.

Ngày 26/1, Musk chỉ trích sự phản đối của Amazon trên Twitter. Ông cho rằng công ty này cố tình ngăn cản Starlink - một dự án đã đưa vào thử nghiệm đại trà, trong khi hệ thống của Amazon "phải vài năm nữa mới hoạt động".

Trong văn bản đệ trình lên chính phủ tuần trước, SpaceX nói đã lường trước việc Amazon ngăn cản các yêu cầu. Công ty cũng phàn nàn Amazon "được quyền chiếm quỹ đạo thấp nhưng lại không hề phóng lên bất cứ vệ tinh nào".

Đáp lại, Amazon cho rằng yêu cầu của SpaceX sẽ để lại nhiều hệ lụy.
 
Elon Musk và Jeff Bezos giành giật không gian cho vệ tinh
  Vệ tinh Kuiper của tỷ phú Jeff Bezos. Ảnh: CNN

"Những thay đổi đó không chỉ tạo ra các vụ va chạm trong không gian, mà còn làm tăng nhiễu sóng vô tuyến. Nó cũng sẽ cản trở sự cạnh tranh giữa các hệ thống vệ tinh trong tương lai. Rõ ràng, SpaceX muốn ngăn chặn sự cạnh tranh ngay từ đầu, chứ không phải là hành động vì lợi ích đại chúng", đại diện Amazon nói.

Công ty của Musk hiện đã phóng lên 1.025 trong tổng số 12.000 vệ tinh dự kiến. Ông cho biết, khoảng 2.800 vệ tinh sẽ hạ độ cao quỹ đạo để đảm bảo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Amazon, quỹ đạo mới của Starlink sẽ gây nhiễu tín hiệu và gây nguy cơ va chạm với Kuiper - dự án Internet vệ tinh trị giá 10 tỷ USD của Amazon. Công ty của Bezos dự kiến triển khai tổng cộng 3.236 vệ tinh, nhưng chưa có chiếc nào được phóng lên quỹ đạo.

"Chúng tôi đã thiết kế vệ tinh Kuiper để tránh đụng chạm đến Starlink và bây giờ SpaceX lại muốn thay đổi mọi thứ", đại diện Amazon cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, khu vực tầng thấp là nơi phù hợp nhất cho vệ tinh phát sóng Internet, vì phóng vệ tinh lên quỹ đạo này dễ dàng hơn, đồng thời khả năng phát sóng và băng thông mạng cũng cao hơn.

Trong quá khứ, hiếm có vụ va chạm vệ tinh nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khi những công ty như SpaceX, Amazon hay OneWeb (Anh) chạy đua phóng vệ tinh lên quỹ đạo, nguy cơ xảy ra tai nạn có thể cao hơn.
 
Elon Musk và Jeff Bezos giành giật không gian cho vệ tinh
Kể từ khi đưa người đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 1972, NASA mới công bố kế hoạch đưa người quay lại vũ trụ. Ảnh: NASA

Năm ngoái, SpaceX yêu cầu FCC cho phép họ di chuyển 2.824 vệ tinh xuống quỹ đạo thấp hơn, từ 1.100 - 1.300 km xuống còn 540 - 570 km, với vùng đệm 30 km. Amazon khi đó cũng phản đối, bởi các vệ tinh Kuiper đang hoạt động ở độ cao 590km với vùng đệm là 9km.

Các nhà khoa học từ lâu lo ngại các vụ va chạm trong không gian có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền, gọi là "phản ứng Kessler". Trong đó, nguy cơ nghiêm trọng nhất của nó là làm hỏng các mạng lưới thông tin liên lạc trên Trái đất do các mảnh vỡ văng vào hệ thống vệ tinh hiện có.

Năm 2019, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) buộc phải bắn hạ động cơ đẩy một vệ tinh của mình để tránh rủi ro. Khi đó, thiết bị của ESA đang có xu hướng đâm vào một vệ tinh của Starlink.
 
Hải Yến