FDI và cuộc đua `giảm thuế` của các nước ASEAN

13:28 | 14/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thu hút FDI vốn là một cuộc đua gay cấn của các nước trong khối Asean, tuy nhiên các nước "nội khối" cần nhìn nhận lại cơ chế để hút vốn đầu tư không phải chỉ giảm thuế
COVID-19 và xung đột giữ Mỹ và Trung Quốc là một cú hích giúp các nền kinh tế đẩy nhanh thu hút vốn FDI khi rất nhiều nước muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Mà Việt Nam  và các nước Asean "vô tình" trở thành điểm đến hấp dẫn tại Đông Nam Á vì vị trí địa lý cũng như chính sách ưu đãi.
 

Cạnh tranh FDI bằng "giảm thuế" 

 
Năm 2001, Việt Nam đã đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm để thu hút Canon đầu tư. Nhưng sau đó Philippines đã cạnh tranh với Việt Nam bằng cách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 8 đến 12 năm. Năm 2014, Indonesia áp dụng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm cho Samsung trong khi Việt Nam đưa ra điều kiện miễn thuế lên tới 15 năm.
 
Trong 10 năm qua, thuế suất thu nhập doanh nghiệp trung bình của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã giảm từ 25% xuống còn 21,7% vào năm 2020. Thậm chí có những nước cho phép doanh nghiệp FDI nghỉ thuế (tax holiday) lên đến 20 năm, rồi lại tiếp tục giảm thuế.
 
Ưu đãi thuế ở một số quốc gia như Campuchia lên tới 6% GDP. Tại Việt Nam, tỷ trọng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tăng liên tục từ 0,75% vào 2014 lên 1,04% GDP vào 2016 và doanh nghiệp FDI là đối tượng chủ yếu được hưởng.
 
Thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp của ASEAN sau các ưu đãi bình quân là 12,28% - thấp hơn gần một nửa so với chưa ưu đãi. Đây cũng là mức thấp hơn rất nhiều so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Indonesia ưu đãi thuế lớn nhất. Cũng vì lẽ đó cùng với các chính sách ưu đãi khác, Singapore trở thành thiên đường thuế - thu hút lượng vốn FDI "ảo" từ các công ty đa quốc gia để đầu tư sang các thị trường khác.
 
FDI và cuộc đua `giảm thuế` của các nước ASEAN - ảnh 1
 
Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng sử dụng ưu đãi phi thuế chủ yếu thông qua ưu đãi đất đai để thu hút FDI. Malaysia dẫn đầu khu vực về thời hạn cho thuê ban đầu, với hợp đồng cho thuê 99 năm không gia hạn. Thái Lan và Indonesia cũng cung cấp hạn cho thuê dài, lần lượt là 99 năm và 95 năm, tính cả thời gian gia hạn.
 
Các chuyên gia của VEPR lo ngại, nếu các nước ASEAN không nhìn lại và phối hợp với nhau, cuộc đua hạ thấp thuế và ưu đãi đất đai sẽ rơi vào trạng thái cân bằng thấp - ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của các nước.
 
VEPR đánh giá việc lạm dụng ưu đãi như nghỉ thuế, giảm thuế có thể khiến các nước đang phát triển rơi vào cuộc đua xuống đáy khi mà các quốc gia láng giềng cố gắng vượt qua nhau trong cuộc cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư từ các nước công nghiệp.

Đáng lưu ý, chi phí của các ưu đãi tài khóa không cần thiết có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại. Việc cắt giảm thuế TNDN quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia dưới hình thức chi qua thuế.

Ví dụ, tại Campuchia thất thu ngân sách do ưu đãi thuế doanh nghiệp ước tính bằng 6% GDP, Việt Nam và Philippines khoảng 1% GDP. Hay như tổn thất thuế tiềm năng ở Indonesia khoảng 14 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2009 đến 2017.

Ông Ah Maftuchan, Giám đốc tổ chức PRAKARSA nhấn mạnh: “Các ưu đãi về thuế có thể tạo ra các ngoại ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả kinh tế. Các nước ASEAN khó có thể đương đầu với các hệ quả đó, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và y tế mà tất cả các nước đang đối mặt đó là dịch Covid-19.

Ước tính ban đầu từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thu thuế ngày càng gia tăng do các Chính phủ nỗ lực triển khai các gói hỗ trợ để đối phó với đại dịch.

Chẳng hạn, Singapore và Thái Lan lần lượt chi khoảng 13% và 9% GDP cho các biện pháp kích thích tài khóa trên quy mô rộng, trong khi con số này ở Philippines, Indonesia và Việt Nam ước khoảng 3% GDP…

Trong bối cảnh tính bền vững nguồn thu ngân sách từ thuế ngày càng báo động, để ngăn chặn cuộc đua xuống đáy giảm thuế và phi thuế tại ASEAN, các chuyên gia VERP kiến nghị, cần quy định một mức thuế TNDN tối thiểu cho các nước trong khu vực ASEAN và đảm bảo không đưa ra các ưu đãi thuế TNDN khiến cho thuế trung bình thực nộp hạ xuống dưới mức thuế suất tối thiểu.

Theo đó, tỷ lệ thích hợp được đề xuất nằm trong khoảng 12,5% đến 20%. Điều này sẽ bảo vệ nguồn thu từ thuế của các quốc gia và ngăn chặn vấn đề hoạch định chính sách có lợi cho nước mình nhưng có hại cho các nước láng giềng vẫn đang tồn tại hiện nay.

Ngoài ra các nước ASEAN cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện các chỉ số khác về môi trường kinh tế vĩ mô và chất lượng thể chế như tự do kinh tế, hiệu quả của chính phủ, chất lượng quản lý, chất lượng cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp thu công nghệ để thu hút FDI.

 

Cải thiện môi trường kinh doanh mới là yếu tố quyết định

 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chỉ số về MTKD mới là các nhân tố quyết định trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư FDI, cụ thể là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, thị trường nội địa, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, mật độ đường sá chất lượng tốt…

FDI và cuộc đua `giảm thuế` của các nước ASEAN - ảnh 2

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, nếu các nước đều đưa ra chính sách giảm thuế để thu hút FDI thì đến lúc nào đó tất cả đều thua. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, đây là cơ hội để các nước xem xét lại chính sách ưu đãi thuế của mình bởi giảm thuế sẽ không cờn dư địa ngân sách để điều chỉnh các chính sách kinh tế xã hội. Dịch Covid-19 có tác động tiêu cực với ngân sách nhưng là điểm bắt đầu để các quốc gia xem xét lại việc có nên tiếp tục giảm thuế để thu hút FDI nữa hay không?” - chuyên gia này phát biểu.

Theo ông Mustafa Talpur, Quản lý cấp khu vực Chiến dịch Thu hẹp khoảng cách, Oxfam tại châu Á, các nước ASEAN cần hành động nhất quán cùng nhau trong cuộc chiến chống đối nghèo cho cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực. 

“Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng các ưu đãi thuế và phi thuế đang làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội và không phải là chìa khóa hướng tới đầu tư nước ngoài bền vững. Mỗi chính phủ cần có nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư cho y tế và giáo dục cũng như các dịch vụ công khác nhằm đầu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng; vì vậy, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần đoàn kết và cùng ưu tiên việc cải thiện MTKD thay vì đưa ra các ưu đãi không có hiệu quả”- ông Mustafa Talpur nhấn mạnh.

 

Việt Nam 'bí quyết' thu hút FDI

 

FDI là nguồn tài chính quan trọng cho các nước đang phát triển. Các hợp tác xuyên biên giới, được hình thành giữa doanh nghiệp nước ngoài và nội địa, tạo cơ hội đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, cải thiện việc làm cũng như khả năng xuất khẩu...Tờ South China Moring Post nhìn nhận, Việt Nam có thể là bài học đáng tham khảo cho các quốc gia khác của Đông Nam Á trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã trở thành trung tâm thu hút dòng vốn FDI trong một thập kỷ với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm được duy trì ổn định 10,4% giai đoạn 2013-2019. Trong 6 năm, dòng vốn ngoại vào Việt Nam tăng khoảng 81%.  Trong khi đó, cùng giai đoạn này, Singapore ghi nhận mức tăng 63%, còn Thái Lan và Malaysia lại chứng kiến dòng vốn giảm. Trong ASEAN, chỉ có Philippines ghi nhận mức tăng vốn FDI cao hơn Việt Nam, đạt 104%. Dù vậy, xuất phát điểm của nước này vào năm 2013 lại thấp hơn, ở mức 3,7 tỷ USD.

FDI và cuộc đua `giảm thuế` của các nước ASEAN - ảnh 3

Sự thành công của Singpore trong phát triển kinh tế hay sự bùng nổ của Trung Quốc trong vài thập kỷ có thể có phần đóng góp của FDI. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 1997, Singapore mỗi năm đều ghi nhận tăng trưởng về vốn FDI ở mức hai con số. Còn ở Trung Quốc, FDI đã nhảy vọt từ hơn 11 tỷ USD năm 1992 lên mức đỉnh 290 tỷ USD năm 2013. Các nhà đầu tư chỉ bắt đầu chuyển hướng sang các nền kinh tế khác khi nhận thấy chi phí nhân công nước này tăng.

Năm 2015, chiến lược "Trung Quốc + 1" trở nên rõ ràng hơn khi Bắc Kinh công bố kế hoạch "Made in China 2025", nâng cấp ngành sản xuất trong nước. Tiếp đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đã tạo cú huých cho quyết tâm rời đi của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đó là lúc Việt Nam bước vào cuộc chơi. Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam từ năm 2013 đến nay trùng khớp thời điểm vốn đi vào Trung Quốc giảm dần. Samsung được xem là doanh nghiệp có đóng góp lớn, với khoản đầu tư từ 2008 đến nay đạt khoảng 17 tỷ USD.

Sự chủ động của Việt Nam khi đưa ra các chính sách đầu tư thân thiện với các doanh nghiệp, hình thành các khu công nghiệp, nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, đã giúp thu hút FDI từ các nước khác. Trong đó, Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư mới, có quy mô, với ngành năng lượng Việt Nam.

Tuy nhiên, thu hút FDI không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cạnh tranh về FDI trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tăng dù nhiều chuyên gia cho rằng vị trí gần Trung Quốc, lực lượng lao động trẻ trong tổng số 95 triệu dân là lợi thế cộng thêm cho Việt Nam.

Mặt khác, môi trường chính trị ổn định cũng là sức hấp dẫn không hề nhỏ, theo Shireen Muhiudeen. Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều trải qua những biến động, bất ổn chính trị trong những năm gần đây. Điều này khiến các nhà đầu tư trở nên an tâm hơn trước tình hình ổn định của Việt Nam. Ngoài ra, các nhà đầu tư dường như cũng chú đến tỷ lệ lạm phát, kỳ vọng tỷ giá hối đoái ổn định và không thích nạn quan liêu – điều mà Việt Nam cam kết giảm bằng cách thực hiện thuế và hải quan điện tử.

Nguyễn Dung(t/h)