FECON (FCN): Dự báo lợi nhuận khởi sắc trở lại sau 3 năm 'thu tăng, lãi giảm'
FECON đặt kế hoạch kinh doanh khả quan, lý giải nghịch lý "tăng doanh thu - giảm lợi nhuận"
Năm nay, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái, lãi ròng kế hoạch gấp khoảng 2,4 lần 2022 lên 125 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo đánh giá, ngành xây dựng năm nay dự báo tăng trưởng trở lại và giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc tồn tại. Tuy nhiên, những khó khăn của năm ngoái vẫn tiếp tục có tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có FECON.
Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, công ty tập trung với 1 số nhiệm vụ, nổi bật là triển khai rốt ráo, hiệu quả các dự án đã ký hợp đồng trên toàn hệ thống, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, nghiệm thu, thu hồi công nợ đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả kinh tế theo kế hoạch chi phí phê duyệt.
Bên cạnh đó, công ty cũng xác định nhiệm vụ đẩy mạnh liên danh, liên kết để thực hiện hóa các cơ hội kinh doanh lớn như dự án về cảng biển, nhà máy điện, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, nhà máy FDI và kho logistic.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn 2020 - 2022, kết quả doanh thu của công ty luôn duy trì ở mức trên 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên so với 2020, lãi ròng 2022 đã giảm 1 nửa.
Giải trình về kết quả kinh doanh, FCN cho biết, năm 2020, lãi ròng hợp nhất giảm 24,12% svck do trong quý IV/2020, doanh thu thuần ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất đạt 1.143 tỷ đồng, giảm 11,11% svck, trong khi giá vốn giảm 9,9% nên lợi nhuận gộp thu về đạt 146 tỷ đồng, giảm 18,59%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 2,54 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ, chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 22,69% so với cùng kỳ, lên mức 25,7 tỷ đồng. Tổng chi phí bán hàng tăng 9,5% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 34,58% so với cùng kỳ.
Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 50,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 47,1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 35% lên 55,6 tỷ đồng do công ty mẹ và các đơn vị thành viên tuyển dụng thêm nhân sự quản lý để triển khai các dự án lớn trúng thầu trong quý III/2020.
Sang 2021, theo công ty, nguyên nhân chủ yếu do trong năm, giá vốn 1 số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (đặc biệt trong các giai đoạn giãn cách xã hội, việc tìm kiếm thuê nhân công thi công vô cùng khó khăn). Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian thi công của 1 số công trình kéo dài hơn kế hoạch, phát sinh thêm chi phí trong năm và ảnh hưởng tiến độ quyết toán giá trị công trình.
Đối với năm 2022, lãi ròng hợp nhất giảm 19,18 tỷ đồng tương ứng với 27,1% cùng kỳ năm 2021 do lãi gộp hợp nhất giảm khoảng 113,46 tỷ đồng tương ứng giảm 24,2%. Nguyên nhân chủ yếu là trong 6 tháng đầu năm chi phí đầu vào tăng đột biến. Với cơn bão giá chi phí nguyên liệu (Thép, xi măng, bê tông…), nhiên liệu (xăng, dầu), chi phí nhân công trực tiếp tăng (do ảnh hưởng gián tiếp từ tăng giá nhiên liệu) trong khi các dự án công ty đã ký kết từ năm 2021 và đầu năm 2022 với đơn giá cố định dẫn đến giá vốn bị tăng cao so với kế hoạch triển khai ban đầu.
Chi phí lãi vay tăng từ 145,67 tỷ đồng lên 212,4 tỷ đồng trong năm 2022 tương ứng tăng 45,8% do phát sinh tăng chi phí lãi vay của công ty con là công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Trong năm 2021, chi phí lãi vay này được vốn hóa vào chi phí đầu tư của dự án nhưng trong năm nay là chi phí hoạt động khi dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10/2021. Ngoài ra, trong năm 2022, mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã được điều chỉnh tăng nhanh và mạnh, dẫn đến chi phí lãi vay hợp nhất của công ty tăng cao svck.
VNDirect: Doanh thu năm 2023 của FECON có thể vượt 4.000 tỷ, lãi ròng gần gấp đôi năm ngoái
Trong báo cáo phân tích về triển vọng kinh doanh của FECON ra ngày 17/4, các chuyên gia VNDirect cũng đưa ra dự báo tích cực cho triển vọng phục hồi của FECON giai đoạn 2023-2024.
Cụ thể, mảng xây lắp của công ty dự báo có triển vọng phục hồi trong giai đoạn 2023 - 2024 nhờ các hợp đồng ký mới có trị giá lớn giúp cải thiện kết quả kinh doanh.
Theo đó, VNDirect ước tính giá trị backlog (tổng số đơn đặt hàng chưa được thực hiện vẫn còn tồn đọng trên sổ sách của công ty) mảng xây lắp cuối năm 2022 là khoảng 2.750 tỷ đồng, tăng 37,5%. Theo nhóm phân tích, lượng backlog này sẽ đảm bảo doanh thu của FCN hồi phục mạnh trong năm 2022.
Cùng đó là kỳ vọng FCN sẽ ký các hợp đồng mới với tổng trị giá là 3.675 tỷ đồng, tương đương tăng 5% svck trong năm 2023. Trên thực tế, tháng 2 vừa qua, FCN đã ký nhiều hợp đồng với tổng trị giá khoảng 463 tỷ đồng, bao gồm 4 gói thầu lần lượt là Gói thầu “Cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc” (179 tỷ đồng) tại nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3&4; Gói thầu “Xây dựng tường vây phía nam nhà ga 11” (62 tỷ đồng) của Tuyến đường sắt đô thị (Metro Line 3) Hà Nội; Gói thầu “Thi công cọc kho than” (75 tỷ đồng) tại Nhà máy điện than Vũng Áng 2 và Gói thầu “Xây dựng đường cao tốc” Hậu Giang-Cà Mau (147 tỷ đồng).
Trong năm nay, VNDirect cũng kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ tác động tương đối tích cực đến FCN, giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội ký các hợp đồng xây dựng hạ tầng. Ước tính giá trị backlog xây lắp của FCN vào cuối năm 2023 sẽ là 3.357 tỷ đồng, tăng 22,1% svck. Sang năm 2024, các chuyên gia kỳ vọng FCN sẽ ký các hợp đồng mới với tổng trị giá 4.226 tỷ đồng, tăng 15% svck nhờ dấu hiệu phục hồi kinh tế năm 2024 như Chính sách tiền tệ sẽ chuyển sang nới lỏng, giúp thúc đẩy đầu tư, thu hút dòng vốn FDI và cải thiện triển vọng cho ngành sản xuất và bất động sản cùng dự thảo quy hoạch điện 8 (dự thảo QHĐ 8) kỳ vọng sẽ được phê duyệt, giúp FCN có nhiều cơ hội ký mới các dự án xây dựng điện gió, vốn là lợi thế cạnh tranh lớn của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2020 - 2021 trước đây, FCN đã thi công đúng tiến độ 6 dự án nhà máy điện gió (tổng công suất 522 MW), chiếm hơn 15% tổng công suất các nhà máy điện gió kịp vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021.
Với lượng backlog lớn vào cuối năm 2022, VNDirect kỳ vọng doanh thu mảng xây lắp sẽ tăng 47,9% svck lên 3.918 tỷ đồng trong năm 2023. Ngoài ra, biên lãi gộp của mảng xây lắp được dự báo sẽ tăng 2,9 điểm % svck lên 12% nhờ 75% giá trị backlog ước tính cuối năm 2022 được đóng góp từ các dự án quy mô lớn, kỳ vọng đem lại biên lợi nhuận cao và giá vật liệu xây dựng giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022.
Thép là nguyên vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 30% giá vốn hàng bán của FCN. Giá thép (đại diện là giá thép của HPG) đã giảm 5,6% svck với 15 đợt giảm giá từ tháng 6 đến tháng 8/2022. Giá thép giảm sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.
Nhìn chung, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng doanh thu của FECON năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 4.077 tỷ đồng (dự phóng cũ 4.589 tỷ đồng) và 4.430 tỷ đồng (dự phóng cũ 4.813 tỷ đồng). Trong đó doanh thu mảng xây lắp đóng góp đa số với 3.918 tỷ đồng cho năm 2023 và 4.248 tỷ đồng cho năm 2024, nhờ giá trị backlog lớn vào cuối năm 2023. Biên lợi nhuận gộp của mảng xây lắp được dự phóng tăng nhẹ 0,5 điểm % svck 2023 lên 12,5% trong 2024.
Lãi ròng của FECON cũng được dự phóng gấp lần lượt khoảng 2 - 3 lần cho năm nay và năm sau, đánh dấu sự hồi phục tăng trưởng sau những áp lực về giá vốn, lợi nhuận gộp và chi phí lãi vay từ những năm trước.