Xuất khẩu của Trung Quốc tăng lần đầu tiên trong 6 tháng qua
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu của nước này đã tăng trong tháng 3/2023, lần tăng lần đầu tiên trong 6 tháng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục phục hồi sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch COVID-19.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 3/2023 đã tăng 14,8%, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2022, và làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố trái ngược với cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích do hãng tin Bloomberg thực hiện, với dự kiến xuất khẩu của nước này sẽ giảm 7,1%.
Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế hàng đầu tại Pinpoint Asset Management, cho biết xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh là một "bất ngờ tích cực."
Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nga tăng mạnh 25,9% do Nga thúc đẩy kinh doanh với nước láng giềng khổng lồ sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Trong khi kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ giảm 17,4% và kim ngạch thương mại với Liên minh châu Âu (EU) giảm 10%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc ở mức 5,2%.
Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức độ nhất định
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF cho biết khi làn sóng COVID-19 lắng xuống thì các chỉ số kinh tế mạnh mẽ như doanh số bán lẻ và đặt chỗ du lịch của Trung Quốc bắt đầu tăng lên.
Việc nước này mở cửa trở lại và nền kinh tế tăng trưởng có thể sẽ tạo ra những tác động lan tỏa tích cực.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5% trong năm nay. Trước đó, vào ngày 13/3, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 14, Thủ tướng Lý Cường nêu rõ để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, Trung Quốc sẽ thúc đẩy chuyển đổi tốt tổng thể của hoạt động kinh tế.
Ông Lý Cường cũng nhấn mạnh điều mấu chốt là đạt được tiến bộ mới trong phát triển chất lượng cao thông qua việc kết hợp các chính sách vĩ mô, kết hợp mở rộng nhu cầu, kết hợp cải cách sáng tạo, kết hợp giữa phòng ngừa và giải quyết rủi ro./.