FED: CPI lập đỉnh 8,5% không đáng ngại

V.B 09:32 | 13/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thay vì e ngại về việc chỉ số CPI nhảy vọt trong tháng 3, một quan chức cấp cao thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng giá các hàng hóa cốt lõi hạ nhiệt là một diễn biến đáng hoan nghênh trước các đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Tín hiệu đáng mừng

Một quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ nhanh chóng tăng lãi suất để ghìm cương lạm đang tăng vọt; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng kiềm chế áp lực giá cả của Fed mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Chia sẻ với Wall Street Journal, Thống đốc FED Lael Brainard - người đang chờ Thượng viện phê chuẩn để trở thành Phó Chủ tịch Fed, nhấn mạnh: “Lạm phát đang quá cao và hạ nhiệt lạm phát sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi”.

Nhận xét của bà Brainard được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 vừa qua tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái - xác lập mức đỉnh 40 năm. Chi phí nhiên liệu và thực phẩm leo thang là hai yếu tố kéo CPI lên cao.

Song, chỉ số CPI cốt lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) chỉ tăng 0,3% trong tháng 3, sau khi đã điều chỉnh các yếu tố mùa vụ. Đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9 năm ngoái và chỉ cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 6,5%.

Chỉ số CPI cốt lõi mới là dữ liệu được chú trọng nhất trong quá trình thiết lập chính sách tiền tệ vì chúng là thành phần lạm phát “phản ánh rõ nhất sức mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước”, bà Brainard cho hay.

Giá của các mặt hàng cốt lõi đã bắt đầu đi lên từ năm ngoái do giá ô tô tăng cao và báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá ô tô đã qua sử dụng đã giảm 3,8% vào tháng trước.

Thống đốcFED bày tỏ: “Mức giảm của giá ô tô là rất đáng hoan nghênh. Tôi sẽ không tiếp nhận quá nhiều tín hiệu từ bất kỳ dữ liệu ngắn hạn nào, nhưng tôi sẽ tiếp tục theo dõi xu hướng này”.

 Chủ tịch Fed Jerome Powell (phải) và Thống đốc Lael Brainard. (Ảnh: Reuters).  

Đường đi nước bước trong tương lai

Trước đó, giới chức FED đã phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp đầu tháng 5 tới, đồng thời bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán trị giá 9.000 tỷ USD.

Tại cuộc họp hồi tháng 3, các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, cũng là lần đầu tiên FED tăng lãi suất kể từ năm 2018. Ngoài ra, Fed còn dự trù tăng lãi suất thêm 150 cơ bản khác trong năm nay, điều đó sẽ đưa lãi suất chuẩn lên gần 2% vào thời điểm cuối năm.

Bà Brainard cho biết FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng không tiết lộ về mức tăng dự định trong tháng 5. Vị thống đốc cũng cho biết Fed nhiều khả năng sẽ công bố kế hoạch thu nhỏ bảng cân đối kế toán tại cuộc họp tới và có thể bắt đầu quá trình từ tháng 6.

“Tôi không muốn suy nghĩ quá cứng nhắc về lộ trình chính sách tiền tệ trong phần còn lại của năm nay cũng như sang năm tới. Bằng cách khẩn trương quay về trạng thái trung lập, chúng tôi có thể điều hành chính sách linh hoạt theo cả hai hướng”, bà Brainard nhấn mạnh.

Cũng theo Thống đốc FED, nhu cầu tiêu dùng có thể sẽ hạ nhiệt trong năm nay khi các biện pháp kích thích giảm xuống và chi phí đi vay tăng lên. Bất kỳ sự suy yếu nào trong nhu cầu của người tiêu dùng và sự gia tăng trong số lượng người Mỹ tìm kiếm việc làm đều có thể hạ nhiệt nhu cầu lao động và giảm bớt áp lực giá cả.

“Nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn bất ổn tăng cao nhưng với một thị trường lao động vững mạnh và các động lực kinh tế cơ bản ổn định. Theo tôi, đó là dấu hiệu tốt chứng tỏ Fed có thể ghìm cương lạm phát mà vẫn giữ vững đà phục hồi”, bà Brainard lưu ý.

Năm ngoái, các quan chức FED đã nhiều lần nhấn mạnh lạm phát chỉ là nhất thời. Song, họ đã rút lại nhận định này kể từ mùa thu cùng năm, khi thị trường việc làm hồi phục nhanh chóng và áp lực giá cả đi lên.

Tuy nhiên, gần đây nhất là vào tháng 1, FED vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong mùa xuân khi các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được cải thiện.

Chiến sự tại Ukraine và các đợt phong tỏa mới tại Trung Quốc đã đặt dấu chấm hết cho kỳ vọng rằng chuỗi cung ứng sẽ được “chữa lành” trong ngắn hạn. Điều đó cũng buộc nhiều quan chức Fed phải kêu gọi tăng lãi suất mạnh tay trong nửa đầu năm.

Ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới vẫn đang hy vọng lạm phát sẽ dịu bớt vào cuối năm khi các vấn đề chuỗi cung ứng được cải thiện và khi nhiều lao động quay trở lại làm việc. Dù vậy, FED vẫn phát tín hiệu cẩn trọng.

“Đây là một cuộc phục hồi rất bất thường. Tình huống trở nên phức tạp hơn bởi dịch bệnh, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine”, bà Brainard bình luận. Chiến lược “Zero COVID” của Trung Quốc “chắc chắn có thể kéo dài một số khó khăn mà chúng tôi đã thấy trong chuỗi cung ứng”.