FED muốn thu hẹp bảng cân đối kế toán, Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
FED thu hẹp bảng cân đối kế toán từ tháng 5: sức ép với các thị trường mới nổi
Theo biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ tỏ ra quan ngại sâu sắc hơn về sức nóng lạm phát trong toàn nền kinh tế. Mối quan ngại này thúc đẩy FED đưa ra một lộ trình tăng lãi suất dồn dập, dự kiến khoảng 7 lần trong năm nay để nhanh chóng đưa mặt bằng lãi suất cơ bản về vùng trung lập - ước tính khoảng 2,4%.
Song song với tăng lãi suất, biên bản còn mở ra khả năng thu hẹp bảng cân đối kế toán với tốc độ hút tiền lên tới 95 tỷ USD hàng tháng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. “Tất cả các quan chức tham gia cuộc họp đồng tình rằng lạm phát đang nóng lên trong bối cảnh thị trường lao động mạnh mẽ, những yếu tố này thúc đẩy việc thu hẹp bảng cân đối kế toán”, biên bản nêu rõ. Động tháo hút tiền dự kiến sẽ được thực hiện ngay từ tháng 5 tới.
Với vai trò “thống trị” của đồng USD trong hệ thống tài chính - tiền tệ toàn cầu, lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ và động thái hút tiền sắp tới của FED có khả năng khiến đồng bạc xanh tăng giá, qua đó gây sức ép cho giá trị tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển. Nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế này vốn đã chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể và nợ nước ngoài lớn sau cuộc khủng hoảng đại dịch.
Theo phân tích của giới chuyên gia, sự mạnh lên của đồng bạc xanh do lãi suất tăng và điều kiện thanh khoản thắt chặt tại Mỹ có thể đảo ngược dòng đầu tư rót vào các thị trường mới nổi. Khi nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tài sản tài chính tại các thị trường mới nổi để rút vốn về nước, áp lực giảm giá tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng mạnh. Điều này cuối cùng có nguy cơ dẫn tới hiện tượng đồng nội tệ mất giá, thậm chí khủng hoảng tiền tệ.
Để ngăn chặn sự mất giá tiền tệ cũng như duy trì sức hút với dòng vốn ngoại, các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi lúc này sẽ chịu áp lực tăng lãi suất sớm. Động thái này một mặt giúp duy trì sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại, nhưng mặt khác lại đe dọa đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế do chi phí vay tăng đáng kể và thanh khoản không còn dồi dào.
Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
Nhận định về tác động với Việt Nam khi FED thực hiện các động thái thu hẹp bảng cân đối kế toán, tại hội thảo “Phục hồi kinh tế 2022” hồi đầu năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam cho rằng đây là động thái chưa từng có tiền lệ và thị trường chứng khoán trong nước chắc chắn chịu ảnh hưởng.
“Trước đây trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, sau khi bơm tiền ra, FED chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Nhưng lần này trước áp lực lạm phát, Fed đã đưa ra ý kiến hút tiền về”, ông Thành nói.
Trong kịch bản FED vừa tăng lãi suất vừa hút tiền, ông Nguyễn Xuân Thành dự báo thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chao đảo, từ đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. “Dù nền tảng vĩ mô có tốt đến đâu, có hỗ trợ kinh tế tốt đến đâu, mà kịch bản đó xảy ra thì chứng khoán cũng bị ảnh hưởng", ông Thành nhấn mạnh.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định với Doanh nhân Việt Nam rằng khi đồng USD tăng giá, VND cũng có xu hướng tăng theo do tỷ giá VND hiện neo rất chặt với USD. Như vậy, vị chuyên gia này khẳng định không cần quá lo về khả năng dòng vốn ngoại rút khỏi Việt Nam dù FED hút tiền về.
Theo ông Nghĩa, điều đáng quan ngại hơn là việc VND mạnh lên theo đà tăng giá cùa USD sẽ dẫn đến tình trạng VND tăng giá tương đối so với các đồng tiền khác như NDT của Trung Quốc hay Baht của Thái Lan, gây áp lực đắt lên tương đối cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này. Quá trình hút tiền của FED càng kéo dài, áp lực với hàng xuất khẩu của Việt Nam càng lớn.