Fed thắt chặt tiền tệ, nhà đầu tư "siết dây an toàn'
Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất sẽ giảm xuống khoảng 3,9% vào năm 2024 và 2,9% năm 2025.
Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD vọt tăng
Tuyên bố về lãi suất của Fed vừa qua hầu như giống với cuộc họp của FOMC trước đó vào tháng 7/2022. Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Mỹ cũng giảm xuống 1,2% vào năm 2023 và 1,7% vào năm 2024, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp được dự báo tăng lên 4,4% vào năm 2023.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ sau khi Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và báo hiệu nhiều mức tăng lớn hơn tại các cuộc họp sắp tới. Việc Mỹ đẩy mạnh lập trường "diều hâu" (thắt chặt chính sách tiền tệ) trong thời gian tới đã góp phần hỗ trợ sức mạnh đồng USD với chỉ số đồng USD có thời điểm đạt mức cao nhất trong 20 năm là 111,63.
Chuyên gia Shaun Osborne, chiến lược gia tại ngân hàng Scotiabank (Canada), nhấn mạnh rằng dù kỳ vọng đồng USD duy trì ổn định trong ngắn hạn, nhưng vẫn cần tính đến khả năng đồng bạc xanh mạnh hơn. Kể từ đầu năm, chỉ số đồng USD đã tăng gần 16%, mức tăng phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1972, khi công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv bắt đầu thực hiện chuỗi dữ liệu thống kê.
Chuyên gia Osborne lưu ý rằng rủi ro địa chính trị gia tăng đã củng cố đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn và các lựa chọn thay thế rất khan hiếm ở các nước phát triển.
Thông điệp rõ ràng nhất từ cuộc họp của Fed là lãi suất ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng và ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi các chuyên gia đồng thuận rằng lạm phát thực sự quay đầu giảm. Chuyên gia Jason Trennert, chiến lược gia đầu tư chính tại công ty môi giới Strategas Research Partners, cho rằng Fed đã thể hiện lập trường rõ ràng về định hướng sắp tới.
Mặc dù Fed có "nhiệm vụ kép" là mang lại việc làm bền vững và giá cả ổn định, song hiện nay họ đang tập trung vào nhiệm vụ ổn định lạm phát. Hiện tại, các dự đoán cho thấy lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm vào cuối năm - tốc độ đặc biệt nhanh so với các đợt tăng lãi suất trong lịch sử.
Nhà đầu tư "siết chặt dây an toàn"
Mặc dù ông Powell không đề cập trực tiếp, các dấu hiệu cảnh báo trên thị trường đang ngày càng nghiêng về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trên thị trường trái phiếu, lợi suất ngắn hạn hiện cao hơn lợi suất dài hạn, vốn được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược. Về mặt lịch sử, đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra - hay còn được hiểu là "hạ cánh cứng". Ông Richard Weiss, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản American Century Investments, lưu ý rằng các cuộc khảo sát trong lĩnh vực sản xuất hầu như đều chỉ ra xu hướng suy giảm trong khi thị trường nhà ở đang tăng trưởng chậm lại.
Chris Konstantinos, chiến lược gia đầu tư tại công ty tư vấn tài chính RiverFront, nhấn mạnh: "Là một nhà đầu tư, đó không phải là một thông điệp dễ nghe". Việc Fed sẵn sàng đẩy mạnh chiến chống lạm phát khiến các nhà đầu tư "thắt chặt dây an toàn". Thông điệp rõ ràng của Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh Fed sẽ làm những gì cần thiết để giảm lạm phát từ mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Và điều đó đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và thị trường việc làm yếu hơn.
Nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối "khỏe mạnh", đặc biệt là thị trường việc làm, đồng nghĩa rằng Fed sẽ không quá áp lực khi tiếp tục lộ trình tăng lãi suất. Ngoài ra, theo chuyên gia Matt Freund, đồng Giám đốc phụ trách đầu tư tại công ty đầu tư toàn cầu Calamos Investments, lãi suất được nâng lên mức cao nhất có nghĩa là khi đến thời điểm đảo ngược chính sách tiền tệ, Fed cũng có rất nhiều dư địa để hạ lãi suất. Ông Freund nhấn mạnh rằng, Fed tin rằng họ có đủ khả năng để thắt chặt chính sách tiền tệ mà không gây thiệt hại lâu dài và Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất khi nền kinh tế Mỹ bước sang năm 2023.
Thị trường chứng khoán sa sút sau cuộc họp của Fed vừa qua cho thấy nhà đầu tư lo lắng về những bất ổn phía trước. Trước đó, mặc dù nguy cơ suy thoái kinh tế đã phủ bóng lên Phố Wall trong nhiều tháng, thị trường cổ phiếu đã được hỗ trợ bởi kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc. Giờ đây, theo chuyên gia Trennert, nhà đầu tư đã giảm dự đoán về tăng trưởng doanh thu của các công ty song chưa tính đến khả năng suy giảm. Trong vài tuần nữa, thu nhập doanh nghiệp quý III/2022 sẽ được công bố và chuyên gia Weiss nói rằng các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho những tin tức xấu hơn trong thời gian tới.
Sự không chắc chắn sẽ kéo theo biến động trên thị trường chứng khoán, vốn đã trải qua những đợt giảm sốc trong năm nay do những ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất và triển vọng chưa rõ ràng về lạm phát và phản ứng chính sách. Chỉ số biến động CBOE - còn được gọi là "thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall" - hôm 23/9 đã tăng vọt lên trên 30, mức cao nhất kể từ cuối tháng Sáu.
Ông Kevin Gordon, Giám đốc nghiên cứu đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab, tin rằng phía trước còn nhiều "sóng gió" hơn vì các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã dường như đang suy yếu.
Giới chuyên gia cho rằng trong khi Fed đang mạo hiểm với việc nền kinh tế Mỹ có thể xảy ra suy thoái, việc ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất chắc chắn sẽ tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Những quốc gia nợ cao e ngại về khả năng bùng phát khủng hoảng nợ công. Để ngăn chặn dòng vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy chuyển sang mua tài sản của Mỹ nhằm bảo toàn giá trị, ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất để bảo vệ giá trị đồng nội tệ. Điều này khiến cho mọi người liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.