Quan chức FED tin lãi suất tăng vùn vụt không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế

Phương Lê (theo Reuters) 11:33 | 26/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic cho biết hôm 26/9 rằng ông vẫn tin Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (FED) có thể chế ngự lạm phát mà không gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.

Ông Bostic chia sẻ trên chương trình truyền hình của CBS: "Nếu nhìn lại lịch sử, có thể thấy tỷ lệ việc làm bị loại bỏ khỏi nền kinh tế đang nhỏ hơn so với những thời kỳ tăng trưởng chậm lại trong quá khứ". 

 Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic. Ảnh: Reuters. 

"Lạm phát đang ở mức quá cao. Chúng tôi cần phải làm tất cả những gì có thể để lạm phát giảm xuống", ông Bostic nói về kế hoạch của FED trong việc tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm mục đích làm chậm nền kinh tế để kéo theo nhu cầu hàng hóa và dịch vụ phù hợp hơn với nguồn cung nhằm giảm lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

Tuy nhiên, tranh luận vẫn đang diễn ra xoay quanh tốc độ và thời kỳ giảm tốc độ như thế nào là cần thiết, cũng như những mất mát có thể gây ra với nền kinh tế. Đặc biệt, đối với vấn đề việc làm, các quan chức FED vẫn tiếp tục tranh luận rằng các công ty khó có khả năng sa thải người lao động khó tuyển dụng trong Covid-19. 

Đề cập đến sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, ông Bostic cho biết có rất nhiều động lực tích cực cho thấy nền kinh tế đang phản ứng với các động thái của FED "một cách có trật tự". Ông Bostic cũng nói thêm sau một tuần đầy biến động của thị trường tài chính toàn cầu: "FED sẽ làm tất cả những gì có thể để làm chậm nền kinh tế nhưng đồng thời tránh những nỗi đau sâu sắc".

FED hôm 21/9 đã thông qua việc tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp và đưa ra các dự báo cho thấy lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao hơn, đồng thời duy trì ở mức cao hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư. Cùng với các động thái tương tự của một loạt ngân hàng trung ương khác, tin tức này đã gây ra một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán và cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu gia tăng. 

Việc Anh đề xuất cắt giảm thuế dường như khiến chính sách tài khóa đi ngược với những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Anh nhằm kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất. Đồng bảng Anh giảm khoảng 3,5% so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Bất chấp những lo ngại toàn cầu, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ tập trung vào lạm phát của Mỹ và cần phải chứng kiến giá tiêu dùng trong những tháng tới một cách thuyết phục để thay đổi lập trường của mình.