FiinGroup dự báo 4 lĩnh vực hút dòng vốn FDI lớn thời gian tới
Báo cáo mới đây của FiinGroup đã đưa ra một số đánh giá và phân tích về triển vọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022.
Từ góc độ kinh tế vĩ mô, FiinGroup dự báo năm 2022 sẽ là năm tăng trưởng mạnh trở lại của kinh tế Việt Nam nhờ tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 hiệu quả và chính sách mở cửa trở lại. FiinGroup cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ đạt trung bình 6% - 7% trong 3 năm tới.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của nền kinh tế được thúc đẩy chủ yếu bởi việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoạt động sản xuất, xuất khẩu tiếp tục phục hồi và đầu tư tư nhân của cả nhà đầu tư trong - ngoài nước ngày càng tăng.
Ngoài ra, FiinGroup dự báo tiêu dùng của hộ gia đình và các lĩnh vực dịch vụ (như vận tải, du lịch,...) sẽ đóng góp vào sự phục hồi kinh tế nhờ các chính sách nới lỏng các hạn chế về di chuyển trong nước, mở cửa du lịch quốc tế.
Về vấn đề lạm phát, tổ chức này cho rằng lạm phát sẽ dừng ở mức 3,5% vào năm 2022. Mức tăng này chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước đang dần hồi phục cũng như biến động giá cả hàng hóa toàn cầu.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và dưới mục tiêu 4% do Quốc hội đề ra.
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kim ngạch thương mại, đặc biệt là xuất khẩu. Vốn FDI đăng ký năm 2021 tăng 9% so với năm 2020 tuy FDI giải ngân giảm nhẹ.
Năng lượng và sản xuất tiếp tục là các lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong FDI đăng ký mới năm 2021, lần lượt là 40,8% và 38,7%. Tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng đạt mức kỷ lục 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021.
FiinGroup cho rằng với 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tham gia trong những năm gần đây sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực trong tương lai gần.
Với việc kinh tế vĩ mô Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng ổn định trở lại, Fiin Group cho rằng cơ hội nổi bật cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022 và những năm tới sẽ nằm ở các lĩnh vực như logistics, công nghệ, công nghệ tài chính và hạ tầng công cộng.
Việc chính phủ khuyến khích đầu tư vào công nghệ và đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường như năng lượng sạch cũng sẽ có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong mảng này.
Để thúc đẩy và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn mở cửa lại kinh tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách và hành động đáng kể trong thời gian qua.
Về các chính sách có hiệu lực từ năm 2022, mới đây, Quốc hội đã phê duyệt gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022-2023. Chính sách này bao gồm một số giải pháp chính như đầu tư cơ sở hạ tầng gần 114.000 tỷ đồng, giảm 2 điểm phần trăm thuế VAT, giảm lãi suất 2%,...
Việt Nam hiện đang tiếp tục mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế và nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch, nhập cảnh đối với du khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu tháng 1.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xem xét mở cửa hoàn toàn du lịch trong và ngoài nước từ tháng 4 và mở lại các ngành nghề dịch vụ trong nước như hàng không, khách sạn, giải trí, giáo dục,...