Giá bất động sản tăng nhanh, cơ hội nào cho người trẻ mua được nhà?

11:14 | 29/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều người trẻ sống tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang ngày càng hoang mang khi mua nhà bởi giá bất động sản tăng nhanh còn thu nhập thì vẫn "dậm chân tại chỗ".
Theo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng hiện thị trường đã có nhiều phát triển vượt bậc so với khoảng 20 năm trước đây. Những vấn đề về số lượng, chất lượng, tiện ích, dịch vụ, cảnh quan môi trường,... ngày càng được chú tâm và cải thiện. Dù vậy, thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là chưa thể giải được "bài toán" nhà ở cho phần đông dân số là những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp như công nhân lao động, người nhập cư và người trẻ.
 
Giá bất động sản tăng mạnh, thu nhập "đuổi" không kịp
 
The thống kê, trong vòng 3 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 22% dự án căn hộ bình dân được triển khai, quá thấp so với tỉ lệ 78,19% dự án căn hộ trung và cao cấp. Giá căn hộ hạng bình dân rơi vào khoảng 16-25 triệu đồng/m2, tuy nhiên nguồn cung ở phân khúc này gần như không có.
 
Cơ hội nào cho người trẻ mua nhà khi giá bất động sản tăng
Hầu hết các dự án căn hộ đều tập trung vào phân khúc cao cấp, hạng sang
 
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, giá bán cao cấp trên thị trường tại TP.HCM quý II-III/2020 là 45,5 triệu đồng/m2 (khoảng 1.966 USD/m2). Hầu hết các dự án nhà ở mới được chào bán đều ở mức giá tối thiểu là 30 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, hầu hết các dự án nhà ở chỉ tập trung tại phân khúc cao cấp hoặc hạng sang. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người lao động lại không tăng quá nhiều.
 
Cơ hội nào cho người trẻ mua nhà khi giá bất động sản tăng
 
Không chỉ vậy, sự bùng phát và lây lan chóng mặt của dịch COVID-19 cũng là yếu tố khiến người trẻ ngày càng khó khăn trong việc mua nhà. Nhiều người từ chỗ có thu nhập hàng tháng hơn 30 triệu đồng nay phải rơi vào cảnh nghỉ luân phiên, lương giảm chỉ còn 15 triệu đồng/ tháng. Nếu có ý định mua nhà, toàn bộ thu nhập của họ có thể chỉ vừa đủ xoay xở trả tiền vay ngân hàng, nếu gặp chuyện không may còn có thể rơi vào cảnh mất trắng.
 
Chị Thanh Lan (32 tuổi, quận 7) may mắn hơn nhiều người khi đã kịp dốc tiền mua một căn hộ ở ngoại thành trước khi dịch bệnh ập đến. Dù vậy, COVID-19 vẫn khiến thu nhập của gia đình chị giảm đáng kể trong khi chị vẫn đang loay hoay trả góp tiền mua nhà mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Chị Lan đành chấp nhận làm nội thất rồi cho thuê với giá hơn 5 triệu đồng/tháng để xoay vòng trả nợ.
 
Cơ hội nào cho người trẻ mua nhà khi giá bất động sản tăng
Nhiều người trẻ chuyển sang "săn" các căn hộ mini, chung cư mini giá vừa phải
 
Trao đổi với Zing, anh Quang (Hà Nội) cho biết mình dự định sẽ mua nhà trong năm nay, mục tiêu là một căn hộ với giá 1,5-1,8 tỷ đồng. Với mức giá này, anh đánh giá mình chỉ có thể mua căn hộ chung cư ở ngoại thành như Hà Đông, Cổ Nhuế,... Anh Quang phân tích: "Mỗi tháng tôi tiết kiệm trung bình 40-50% thu nhập. Do được gia đình hỗ trợ nên mới có thể mua nhà thời điểm này, ngoài ra vẫn phải vay ngân hàng 50%. Nếu chỉ với mức thu nhập hiện tại thì rất khó để sở hữu một căn chung cư giá 1,5-1,8 tỷ đồng tại Hà Nôi, có thể phải mất ít nhất 8-10 năm".
 
Anh Quang cũng cho rằng hiện giá bất động sản ở Hà Nội quá cao so với thu nhập của người trẻ, dù có chiều hướng thấp ở tại TP.HCM. Thế nhưng nếu không được gia đình hỗ trợ, một người có thu nhập 25 triệu đồng/ tháng vẫn có thể mất tới 7 năm để mua được một căn nhà chung cư bình dân.
 
Cơ hội nào cho người trẻ mua nhà?
 
Về vấn đề này, Chủ tịch HoREA ông Lê Hoàng Châu nhận định giá nhà có xu hướng tăng là do chi phí đầu tư cao, các chủ đầu tư tiếp tục giữ giá ngay cả trong đại dịch COVID-19. Thị trường chỉ xuất hiện tình trạng sụt giảm giá trong trường hợp nhà đầu tư không thể chịu được áp lực trả lãi, trả nợ và phải bán lỗ. Hiện tại, một căn hộ 2 phòng ngủ có giá hợp lý khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với những gia đình trẻ có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng thì giấc mơ mua nhà vẫn còn rất xa vời.
 
Mới đây, HoREA vừa có văn bản đề xuất giải pháp giảm giá nhà đất gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM. HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét thay đổi cách thu tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại thành thuế các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất với mức giá bằng 15-20% giá đất trong bảng giá đất hoặc đánh thuế bất động sản. Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ triển khai một số dự án phát triển nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của phần đông người dân, theo Cafeland.
 
Cơ hội nào cho người trẻ mua nhà khi giá bất động sản tăng
 
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở không phù hợp với khả năng chi trả của phần đông người dân. Bộ đang nghiên cứu và sẽ trình Chính phủ đề tìm ra hướng giải quyết, có thể là ban hành loạt giải pháp nhằm hạ nhiệt giá nhà. Bộ Xây dựng đang tiến hành hoàn thiện dự thảo nghị quyết về phát triển nhà ở giá thấp với mức giá bán thấp hơn 20 triệu đồng/m2 cho các căn hộ có diện tích tối đa là 70m/2. Dự kiến, các căn hộ trong dự án này sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, các chủ đầu tư tự huy động nguồn vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật.
 
 
Tùng Lê (t/h)