Giá cá tra leo thang, hai doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi lớn nhất nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng
Thời gian gần đây, giá cá tra liên tục đã lên mức cao nhất trong vòng ba năm trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khi nhiều hộ nghỉ nuôi do lỗ liên tục, đứt vốn.
Báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá chi phí cho các loại thủy sản đạt mức cao mới do chi phí năng lượng, thức ăn chăn nuôi, nhân công và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Và giá đầu vào tăng cao dự kiến sẽ vẫn duy trì trong ít nhất nửa đầu năm 2022.
Tại Việt Nam, việc ngăn chặn COVID-19 năm trước đồng nghĩa với việc tăng trưởng ngành chậm lại và khó khăn trong chuỗi sản xuất và cung ứng, có nghĩa là nông dân ngừng việc thả nuôi mới cho đến quý IV/2021, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt trong nửa đầu 2022.
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng giá nguyên liệu cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 sau đó giảm dần vào nửa cuối năm 2022 sau khi nguồn cung được đáp ứng.
Giá nguyên liệu cao tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu đàm phán với khách hàng của họ ở mức giá bán cao. Do đó, các nhà xuất khẩu có thể tự cung cấp nguyên liệu sẽ là người hưởng lợi lớn nhất nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng như Nam Việt (Mã: ANV) hay Vĩnh Hoàn (Mã: VHC).
Cụ thể, việc tăng giá mạnh đối với các loại thịt, đặc biệt là thịt bò và thịt lợn, đang diễn ra tồi tệ hơn so với giá thủy sản, khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang tiêu thụ các sản phẩm thủy sản.
Giá tôm tương đối cao so với các sản phẩm thịt trong khi các sản phẩm cá đông lạnh dường như là một lựa chọn thay thế hợp lý về giá hơn. Điều này dẫn tới các sản phẩm cá phi lê có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh về nhu cầu.
Đánh giá về triển vọng ngành thuỷ sản, báo cáo chỉ ra rằng cùng với sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản tiếp tục tăng trở lại do dịch vụ ăn uống phục hồi trong khi doanh số bán lẻ vẫn đạt mức cao mới. Trong khi nhu cầu của Mỹ tiếp tục tăng, thị trường Trung Quốc và EU có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau một năm giảm.
Doanh nghiệp cá tra có thể "ngư ông đắc lợi" trong cuộc chiến Nga-Ukraine
Liên quan tới căng thẳng giữa Ukraine và Nga, VDSC đánh giá sự kiện này có thể mang lại lợi ích cho các công ty cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thị trường năng lượng và thực phẩm trên thế giới đang xáo trộn khi Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các quốc gia khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga - nhà sản xuất khí đốt tự nhiên và lúa mì.
Kết quả của sự bất đồng, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nếu việc tiếp cận thị trường quốc tế bị hạn chế, ngành thủy sản của Nga sẽ đối mặt với một tương lai không rõ ràng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá.
Năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản của Nga đạt 5,85 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nga với 50% thị phần trong khi Trung Quốc chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu. Các cảng của Hàn Quốc có thể đóng vai trò là điểm trung chuyển hàng thủy sản của Nga đến Trung Quốc, nhưng kênh phân phối này có thể sẽ sớm đóng cửa.
Hàn Quốc ngày 28/2 cho biết sẽ cố gắng giảm bớt hoạt động thương mại với Nga. Mỹ, EU và Hàn Quốc hiện đang xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với hàng hóa của Nga, với một số chính trị gia Mỹ đặc biệt thúc đẩy lệnh cấm đối với thủy hải sản của Nga. Trung Quốc cũng đã và đang giảm mua hải sản của Nga vì chính sách Zero COVID.
Cua là mặt hàng xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Nga với giá trị 2,5 tỷ USD vào năm 2021, nhưng mặt hàng này không phải là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam.
VDSC cho rằng các sản phẩm cá thịt trắng có thể có lợi hơn. Doanh số cá minh thái phi lê của Nga đạt 76.000 tấn (MT) và trị giá 247 triệu USD; và doanh số cá tuyết đạt 34.200 tấn, trị giá 239,5 triệu USD vào năm 2021.
Trong đó, cá tra của Việt Nam có thể là một lựa chọn thay thế lý tưởng cho sự thiếu hụt cá phi lê từ Nga do giá cả cạnh tranh.
Năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD với 800.000 tấn. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm cá thịt trắng của Nga. Do đó, các công ty cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc có thể hưởng lợi bằng cách bù đắp sự thiếu hụt của Nga trong thời gian tới (ví dụ như IDI, Nam Việt - Mã: ANV hay Vĩnh Hoàn - Mã: VHC).
Tuy nhiên, theo quan điểm của VDSC với nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu ngày càng tăng, các công ty đủ năng lực xuất khẩu sang các nước phương Tây sẽ tiếp tục tăng xuất khẩu sang các thị trường này thay vì tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, do giá xuất khẩu của thị trường phương Tây ở mức cao sẽ giúp họ tối đa hóa lợi nhuận.
Đồng quan điểm với VDSC, Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng ngành cá tra Việt Nam có thể gián tiếp hưởng lợi từ căng thẳng Nga-Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga có thể gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa của Nga nói chung, trong đó có việc xuất khẩu cá minh thái, một trong những mặt hàng thay thế chính cho cá tra Việt Nam ở thị trường EU.
EU nhập khẩu 160.000 tấn cá minh thái từ Nga mỗi năm, chiếm 19% tổng nhập khẩu cá minh thái của EU. Trong khi đó, thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành cá tra Việt Nam vào năm 2021. Do đó, kỳ vọng ngành cá tra Việt Nam có thể tận dụng tình hình này để mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU.