Giá cước biển tăng 'nóng' sẽ gây áp lực thế nào lên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?

Trang Mai 12:18 | 10/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với một số ngành nghề xuất khẩu đang có tín hiệu tích cực như gỗ, dệt may, thuỷ sản,... việc tăng giá cước đến khu vực châu Âu, Bắc Mỹ do căng thẳng ở Biển Đỏ là tín hiệu không mấy khả quan. Nhiều đơn vị cho rằng, điều này sẽ gây "khó khăn chồng chất" cho năm 2024.

 

 

 

Giá cước tăng mạnh do hành trình kéo dài thêm 7-10 ngày

Bắt đầu từ tháng 1.2024, các doanh nghiệp cho biết cước đi đến bờ Tây (Los Angeles, Mỹ) tăng 800 - 1.250 USD, tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12/2023, giá cước ở mức 1.850 USD nay tăng lên 2.873 - 2.950 USD.

Cước từ Việt Nam đến bờ Đông (New York) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100 - 4.500 USD.

Cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh, cụ thể đi Hamburg (Đức) tháng 12/2023 là 1.200 - 1.300 USD, thì sang đầu năm nay tăng lên 4.350 - 4.450 USD, tăng hơn gấp đôi.

Có 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng Israel - Hamas, nhóm nổi loạn Houthi (Yemen) tấn công các tàu đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào này. Điều đó buộc các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày, dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn (vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần). Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ chuyến hàng hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

Tác động tiêu cực đến các ngành nghề xuất khẩu của Việt Nam

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, căng thẳng ở Biển Đỏ cũng đang tác động lớn tới cước vận tải biển trên thị trường gạo thế giới. Hiện nay các tàu hàng đang chuyển hướng khỏi Biển Đỏ để đi vòng qua châu Phi ở mũi Hảo Vọng. Lộ trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn cũng như chi phí cũng cao hơn, gây áp lực lên một số nước nhập khẩu gạo chính ở khu vực châu Phi và Trung Đông.

Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cước vận tải biển với gạo Việt Nam đi châu Âu, nếu như chỉ ở mức dưới 1.000 USD/container trong năm 2023, thì tháng 1 này đã tăng lên tới 3.000 USD, thậm chí 4.000 USD tùy tuyến.

Do gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc …, châu Âu và Bắc Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên cước vận tải biển tăng cao chưa ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu gạo Việt Nam. Mặt khác, vào thời điểm này, Việt Nam thường không xuất khẩu nhiều gạo do nguồn gạo năm cũ đã gần như cạn, trong khi vụ đông xuân ở ĐBSCL phải qua Tết nguyên đán mới thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển lên quá cao cũng đang gây ra những lo ngại nhất định với các thương nhân ngành hàng lúa gạo.

Còn với ngành thuỷ sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) nhận định, nếu căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục leo thang, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu thủy sản trong năm 2024.

"Cước tàu biển tăng sẽ là thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp", Vasep chia sẻ trên website ngày 8/1 vừa qua. 

Thông tin từ VTV, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: "Theo dự kiến, với mỗi một container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1000 - 2000 USD. Điều đó cũng là một chi phí phát sinh cũng giống thời điểm đứt gãy COVID-19".

Cũng theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, lượng hàng hoá trung bình đi qua kênh đào Suez chiếm khoảng 12% thương mại quốc tế. Những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều gồm dệt may, da giày, đồ gỗ cho đến các sản phẩm điện tử. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát các diễn biến trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), chia sẻ công ty có một số đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ nên gần đây đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển. Mức tăng từ 200-500 USD/container 40 feet với thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Chưa kể, điều khiến doanh nghiệp lo lắng không phải là giá cước tàu biển qua tuyến này, mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng giá theo do tình trạng ách tắc kéo dài. Ông Mạnh bày tỏ, cước tàu biển tăng giá trong giai đoạn này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn bởi hiện đơn hàng của doanh nghiệp ngành gỗ mới phục hồi. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/12/2023, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã có công văn số 1116/XNK-TLH về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.

Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Các doanh nghiệp tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.