Giá kit xét nghiệm nhanh ở trên thế giới hiện tại sao?
Hội doanh nhân trẻ cho rằng giá xét nghiệm đang bị đội quá mức
Cụ thể, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đưa ra thông tin: “Theo tôi được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test. Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng”.
Chia sẻ thêm với báo Thanh Niên, ông Hồng Anh cho biết giá 1,5 USD/test ông nói là giá mua tại nước ngoài, nếu tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác) mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng.
Trước những thông tin trên, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) trả lời báo chí rằng: “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”.
Bộ cho biết thêm, trước 20/8, giá test nhanh khoảng 100.000-198.000 đồng/test. Tuy nhiên, theo cập nhật đến ngày 25/9, một số doanh nghiệp có điều chỉnh giá, trong đó, mức giảm khoảng 20.000-70.000 đồng/test.
Về sản xuất trong nước, nước ta hiện chỉ có 1 sản phẩm test nhanh kháng nguyên sản xuất trong nước được cấp phép giá bán công bố gần 100.000 đồng/test (đã giảm hơn 35.000 đồng so với thông báo trước đó). Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 20 sản phẩm test nhanh kháng nguyên nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá công bố dao động từ 79.800-200.000 đồng/test.
Giá bộ xét nghiệm nhanh tại các quốc gia khác như nào?
Rõ ràng, thông tin của ông Đặng Hồng Anh cũng cần được kiểm chứng lại, bởi nhiều nguồn tin cho biết giá các loại kit test có sự chênh lệch khá lớn so với những thông tin mà ông cung cấp.
Cụ thể, Tri thức trực tuyến đã dịch thông tin từ The Straits Times cho biết, tại Singapore, các sản phẩm kit nhanh được phân phối bao gồm Abbott PanBio Covid-19 Antigen Self-test, QuickVue At-Home OTC Covid-19 Test, SD Biosensor SARS-CoV-2 Antigen Self-Test Nasal, và SD Biosensor Standard Q Covid-19 Ag Home Test.
Các bộ dụng cụ này có giá bán lẻ dao động từ 8-13 USD mỗi bộ, tương đương 180.000-300.000 đồng. Nếu mua số lượng giá sẽ rẻ hơn. Cụ thể, một kit test Abbott PanBio có giá 13 USD tại các cửa hàng Guardian, giá 13,1 USD ở chuỗi cửa hàng bán lẻ Watsons Singapore và 12,8 USD tại Unity Store. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá kit test Abbott PanBio có giá bán chỉ dao động 157.000-170.000 đồng/kit.
Ở khoảng giá gần tương đương là kit test nhanh CareStart Rapid Antigen bán lẻ tại CrowdHealth - đơn vị cung cấp vật tư y tế ở New York (Mỹ) có giá 300 USD/hộp 20 kit test, tương đương 346.000 đồng/kit test. Nhiều cửa hàng khác còn bị đội giá tới hơn 600.000 đồng/bộ. Ngược lại, CareStart Rapid Antigen Test Kit được bán tại Việt Nam dao động 145.000 đến 180.000/kit.
Tại Ấn Độ, bộ xét nghiệm Humasis Covid-19 Ag Test có nguồn Hàn Quốc được bán tại trang điện tử Indiamart với giá 480 INR, tương đương 148.000 đồng/kit. Tại chuỗi cửa hàng GS 25 ở Hàn Quốc từ tháng 5 cũng bày bán với giá 10.000 won, tương đương 193.000 đồng/kit test, theo Korea Herald.
Giá bán tại Việt Nam của bộ xét nghiệm nhanh này được phổ biến trên thị trường với giá trung bình ở mức 86.000-110.000 đồng/kit. Trao đổi với Tri thức trực tuyến, đại diện Công ty TNHH Humasis Vina cho biết giá bán công khai của đơn vị trên trang của Bộ Y tế là 128.000 đồng/kit test, còn giá đại lý phân phối sẽ thấp hơn.
Doanh nghiệp muốn đưa kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá
Hồi giữa tháng 9, 14 hiệp hội vừa kiến nghị Thủ tướng đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá nhằm giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, họ cũng đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh.
Các đề xuất này, theo các hiệp hội, là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cộng đồng các doanh nghiệp này mong được giảm xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
Hiện chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động là một trong những bài toán khó, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định của doanh nghiệp. Ông Lê Xuân Tân, thành viên ban giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai cho biết, chưa đến 2 tháng, doanh nghiệp đã có 1.600 lần test cho 300 công nhân. Như vậy, trung bình, mỗi công nhân nhà máy được xét nghiệm 3 lần một tháng. Các hình thức xét nghiệm được doanh nghiệp này sử dụng gồm: PCR mẫu đơn 750.000 đồng một lần test một người; PCR gộp 5 (5 người lấy mẫu cho cho chung vào một lọ, nếu kết quả dương tính thì tách từng người ra xét nghiệm lại) giá 300.000 đồng một người và test nhanh là 280.000 đồng một người.
Theo ông, đấy là "một khoản tiền khủng khiếp" bởi công ty có thể mất một chi phí lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần kiểm tra.
"Loạn cào cào" giá kit xét nghiệm trong nước
Báo chí và dư luận xã hội phản ánh rằng hiện đang có sự nhiễu loạn về giá các bộ test nhanh COVID-19 tại thị trường nội địa.
Tuổi Trẻ phản ánh rằng kit test nhập khẩu về Việt Nam đang có rất nhiều mức giá. Vừa qua đã có tình trạng giảm giá liên tục, đặc biệt là một số kit nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...
So với giá kê khai trên cổng công khai giá của Bộ Y tế, giá bán kit test sẽ tùy thuộc vào số lượng mua và sẽ được giảm nhiều nếu mua sỉ. Đặc biệt, giá bán lẻ rẻ hơn nhiều so với giá kê khai. Cụ thể loại test kê khai giá 160.000 đến 198.000 đồng/test nhưng giá bán lẻ chỉ 150.000 đồng, bán sỉ 130.000 đồng, mua nhiều lại một mức giá khác nữa.
Tình trạng này từng được giám đốc một sở y tế khu vực phía Nam đã phàn nàn trong cuộc họp trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức. Địa phương này sử dụng test nhanh cho công nhân nhưng không biết giá nào hợp lý bởi xem trên cổng công khai giá thì giá rất cao, đơn vị bán test lại tiếp thị giá rất thấp, sở y tế dù nhận thấy giá thấp nhưng cũng không biết có chuẩn chưa vì không có cơ sở làm phép so sánh.