Giá nhà ở tăng bất thường, Hiệp hội Bất động sản TP HCM lên tiếng cảnh báo

Đông Bắc 15:30 | 18/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường bất động sản tại TP HCM đang chứng kiến sự lệch pha nghiêm trọng cả về phân khúc lẫn nguồn cung nhà ở. Hiện tại TP HCM đã có nhà nhà đất 500 tỷ, căn hộ hạng sang 100 tỷ đồng... và đây là điều bất ổn khiến Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phải lên tiếng cảnh báo.

 

 Thị trường bất động sản tại TP.HCM xuất hiện nhiều chênh lệch về phân khúc lẫn nguồn cung. Ảnh minh họa.

Đánh giá về thị trường bất động sản  TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thị trường đang có dấu hiệu bất ổn đáng quan ngại. Đầu tiên là tình trạng lệch pha cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở.

Thứ hai là tình trạng lệch pha phân khúc thị trường, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Đặc biệt thị trường rất thiếu nguồn cung nhà ở có giá vừa túi tiền có giá dưới 2 tỷ đồng/căn và nhà ở xã hội. Sự thiếu hụt này đã tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Tại TP HCM, loại hình nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 chỉ chiếm 1% vào năm 2020. Từ năm 2021 đến nay không còn nhà ở vừa túi tiền, trong khi đó nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, còn lại nhà ở trung cấp chiếm 26%.

Thứ ba, tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền dẫn đến giá nhà đã tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Hiện nay, tại TP HCM nhà liền thổ đã có nơi lên đến 500 tỷ đồng hoặc căn hộ cao cấp hạng sang có giá trên 100 tỷ đồng.

Thứ tư, hàng nghìn căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch (gọi chung là condotel) bị thu hồi giấy chứng nhận do công nhận “quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở” trái pháp luật, nay được cấp đổi, cấp lại “sổ hồng” nhưng có thể bị trừ đi thời hạn sử dụng đất kể từ ngày được cấp đổi, cấp lại “sổ hồng” gây bất an cho hàng nghìn khách hàng.

Thứ năm, giao dịch bất động sản trầm lắng, khách hàng mua nhà và cả chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở cũng rất khó khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng; giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm 79% trong quý 2/2022.

"Thời gian qua, bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được, thị trường bất động sản phát triển chưa minh bạch, chưa lành mạnh, chưa ổn định, chưa bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để thị trường bất động sản trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, đòi hỏi cần phải xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng đầu cơ nhà, đất", ông Châu chia trên Reatimes.vn.

Trước tình trạng này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, cần đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có “quyền” được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng kiến nghị thực hiện phổ biến phương thức “đấu giá quyền sử dụng đất” hoặc “đấu thầu dự án có sử dụng đất” để lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, kiến nghị xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và “nắn” dòng vốn tín dụng chứ không nên “siết” tín dụng. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín và dự án có tính khả thi và cho các cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, để xây dựng, sửa chữa nhà ở.

   TP HCM đã có nhà nhà đất 500 tỷ, căn hộ hạng sang 100 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân, hiện nay, thị trường bất động sản TP HCM vẫn hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, quá trình phát triển, thị trường nhà ở của TP.HCM vẫn chưa bền vững, chưa ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Trước đó, tại Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững ngày 14/7, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân đã có kiến nghị Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án bất động sản để các địa phương triển khai thực hiện, gồm các bước liên quan như: chấp thuận chủ trương đầu tư; duyệt quy hoạch; giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; cấp giấy phép xây dựng.

"Hiện nay, do hệ thống các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ (pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quy hoạch, tài chính, thuế,…) dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án", ông Quân nêu các dự án ở TP HCM là ví dụ điển hình.

Một vấn đề khó khăn nữa là vướng mắc tập trung hiện nay là việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và cơ chế giao đất cho thuê đất đang là bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án bất động sản, ảnh hưởng không nhỏ đến kêu gọi đầu tư nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Quân, TP HCM đưa ra giải pháp chung là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản . Trước mắt, TP HCM đã hệ thống được trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để các nhà đầu tư biết thực hiện.

Mặt khác, TP HCM sẽ tận dụng gói hỗ trợ của Chính phủ tại Nghị quyết số 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh để tập trung thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, góp phần an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người thu nhập thấp, trung bình có khó khăn về nhà ở.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh xã hội.

TP HCM cũng quy định cụ thể để ngăn chặn các hoạt động kinh bất động sản sản trái pháp luật như: một căn hộ bán cho nhiều người (đề xuất ngăn chặn từ việc công chứng); huy động vốn của khách hàng qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ ... (đề xuất Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tư pháp để xử lý). Hay xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị...; hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản.

Ngoài ra, TP HCM cũng tăng cường thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.

"Từ nay đến cuối năm, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, TP HCM tiếp tục triển khai một số giải pháp, bố trí đưa vốn tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ… để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi", Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho hay.

 

Giá căn hộ, đất nền TP HCM vẫn tăng trong quý II/2022

Tại sự kiện Báo cáo thị trường BĐS quý II/2022 được tổ chức tại TP HCM hồi đầu tháng 7, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, động thái kiểm soát huy động vốn vào BĐS, hạn mức cho vay và các điều kiện với doanh nghiệp BĐS khi phát hành trái phiếu, siết chặt thu thuế và thực hiện giao dịch BĐS, siết phân lô, tách thửa, cấp quyền sử dụng đất... đã tác động lớn đến hoạt động của thị trường.

Ảnh hưởng rõ nhất là nguồn cung BĐS triển khai 6 tháng đầu năm khá thấp. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, quý I/2022 số căn nhà ở thương mại hoàn thành chỉ khoảng 5.217 căn, giảm 46%, giao dịch căn hộ giảm 20% so với cùng kỳ 2021.

Bên cạnh căn hộ, thị trường BĐS nghỉ dưỡng và đất nền cũng chịu ảnh hưởng lớn khi xu hướng phục hồi của BĐS nghỉ dưỡng còn nhiều rào cản, hoạt động mua bán đất nền hạ nhiệt ngay sau khi ngân hàng kiểm soát tín dụng và chính quyền nhiều địa phương siết phân lô, bán nền.

Riêng về tình hình hoạt động cụ thể của thị trường BĐS phía Nam quý II vừa qua, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, thị trường lớn nhất khu vực là TP HCM đang ghi nhận những diễn biến trái ngược về nhu cầu mua và giá bán. Trong khi nhu cầu tìm mua BĐS có dấu hiệu giảm mạnh, giá bán các loại hình BĐS tại TP HCM vẫn tăng thấy rõ.

Cụ thể, trong quý II/2022, TP HCM chào đón gần 14.000 căn hộ mở bán, trong đó hơn 80% nguồn cung đến từ một dự án lớn tại TP Thủ Đức. Tuy nhiên nhu cầu tìm kiếm BĐS để ở tại TP HCM quý vừa qua có xu hướng đi xuống với mức giảm 5% so với cùng kỳ. Trong đó mức độ quan tâm căn hộ chung cư giảm 3%, nhà phố giảm 9% và đất nền/nhà liền thổ giảm 16%. Bất chấp đà giảm từ nhu cầu tìm kiếm, giá rao bán của cả ba loại hình trên vẫn tăng mạnh trong quý vừa qua.

Giá rao bán căn hộ tiếp tục tăng từ 4-7% so với cùng kỳ, tăng mạnh nhất ở loại hình căn hộ cao cấp giá trên 55 triệu đồng/m2. Nhà riêng và nhà phố có giá bán tăng 3-8% so với quý trước, cá biệt khu vực quận 2 cũ giá nhà riêng tăng gần 17%. Đất nền tại các quận huyện Củ Chi, quận 7, quận 12 giá bán tăng từ 6-18%, riêng huyện Nhà Bè và quận 9 cũ dù nhu cầu tìm kiếm giảm mạnh từ 29-30% nhưng giá bán vẫn tăng 4-11% so với cùng kỳ 2021.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến giá BĐS TP HCM vẫn duy trì xu hướng tăng trong quý vừa qua, ông Đinh Minh Tuấn cho biết, yếu tố khiến giá BĐS TP HCM vẫn tăng mạnh đến từ sự chênh lệch cung - cầu. Nhu cầu tìm kiếm BĐS trong quý II có xu hướng giảm so với cùng kỳ, nhưng so sánh với thời điểm 2019 thì vẫn tăng cao hơn.

Nếu xét trên phương diện nguồn cung, rào cản pháp lý và cấp phép xây dựng khiến lượng dự án chung cư triển khai trong 6 tháng đầu năm rất thấp dẫn đến nguồn cầu thực tế không đáp ứng tương xứng với nhu cầu mua của thị trường. Cầu nhiều cung thiếu đã tác động mạnh đến giá BĐS TP HCM thời gian qua.

Bên cạnh đó, chi phí phát triển dự án leo thang do giá nguyên vât liệu xây dựng dội lên cùng với chi phí phát triển kéo dài khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải tính toán lại mức giá mở bán. Điều này vô hình khiến thị trường thời gian qua thiếu hụt các sản phẩm giá rẻ, bình dân và chủ yếu là nhà ở cao cấp.

Tuy nhiên, quý vừa qua, hầu hết các dự án có nguồn hàng chào bán đều ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ đạt 80-100% nguồn cung cho thấy nhu cầu của thị trường rất lớn. Với loại hình đất nền, theo ông Đinh Minh Tuấn, đây là dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu đầu tư nên việc siết tín dụng vào BĐS và ngưng phân lô, bán nền tại nhiều địa phương đã đánh mạnh vào đối tượng đầu cơ, đầu tư khiến giao dịch đất nền, đất nông nghiệp giảm mạnh.