Giá thuê nhà phố trung tâm tại Hà Nội và TP HCM giảm mạnh
Vừa mở một nhà hàng trên diện tích đất 200 m2 trên đường Trần Bình Trọng, quận 5 (TP.HCM), anh H.T. cho biết mình đã có cơ hội thuê được mặt bằng này với giá "hời" do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, ông cho biết theo mặt bằng chung của khu vực, giá thuê địa điểm này không dưới 9.000 USD/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến cơ sở kinh doanh cũ phải đóng cửa. Suốt 4 tháng để không, chủ nhà đã chấp nhận cho ông thuê với mức giá chỉ 6.000 USD/tháng, giảm 34% so với giá ban đầu.
"Ban đầu tôi cũng lo mở nhà hàng vào thời điểm này rất dễ thua lỗ, nhưng tính đi tính lại thấy nếu không quyết định thuê ngay thì sau này không còn cơ hội. Ngoài ra, do đặc thù kinh doanh nhà hàng đòi hỏi mức đầu tư rất lớn nên tôi thuyết phục chủ nhà cam kết hợp đồng cho thuê là 15 năm, giá thuê sẽ tăng 10% mỗi 5 năm", người này cho biết.
Năm 2020 được đánh giá là một năm thiệt hại nặng nề đối với các chủ nhà phố cho thuê ở khu vực trung tâm của nhiều thành phố lớn.
Trong hội nghị Bất động sản Việt Nam VRES 2020, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP.HCM và Bình Dương của Batdongsan.com.vn khẳng định giá thuê nhà mặt phố liên tục giảm tại nhiều khu vực trong năm 2020.
Tại TP.HCM, giá thuê nhà mặt phố tại quận 1 giảm 18% theo năm. Các khu vực khác như quận Bình Thạnh, Tân Bình cũng giảm lần lượt 15% và 19% so với năm 2019. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm đối với sản phẩm nhà phố cho thuê cũng giảm mạnh đến 35%.
Tương tự tại Hà Nội, với mức độ quan tâm giảm 28%, giá thuê nhà phố trung bình tại các quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân cũng giảm 7-9% trong năm 2020. Đặc biệt tại quận Hà Đông ghi nhận giá thuê giảm 15% so với năm trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, đây cũng là cơ hội cho những chủ kinh doanh, nhà bán lẻ có tiềm lực tốt về tài chính để mở rộng kinh doanh hoặc đàm phán với chủ nhà để có những điều kiện cho thuê tốt hơn như giảm giá thuê, giãn thời hạn thanh toán hoặc hoãn kế hoạch tăng giá.
Tương tự ở phân khúc nhà riêng, giá thuê trung bình tại quận 1 cũng giảm mạnh 38% so với năm 2019; quận Bình Thạnh giảm 11%. Đây là những khu vực có mức độ cư dân sinh sống tập trung cao, dễ bị tác động khi thị trường có sự biến động.
Mức độ suy giảm về giá thuê nhà riêng tại Hà Nội được đánh giá là nhẹ hơn so với TP.HCM khi các quận trung tâm đông đúc như Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai có mức giảm lần lượt là 9%, 6% và 13%.
"Trong khi phân khúc chung cư vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực thì thị trường nhà mặt phố và nhà riêng chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề trong năm 2020. Bên cạnh đó, người thuê nhà để kinh doanh hoặc làm văn phòng đang có xu hướng rời khỏi khu trung tâm như quận 1, quận 3 đến khu vực xa trung tâm để giảm chi phí. Chính vì vậy, giá thuê ở các quận như Gò Vấp, Thủ Đức... chỉ giảm nhẹ so với năm trước", ông Đinh Minh Tuấn phân tích.
Một mặt bằng lớn tại quận 1, TP.HCM bị trả lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.
Bình luận về phân khúc bán lẻ cho thuê, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho biết tỷ lệ mặt bằng trống tăng so với năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu trong lĩnh vực thời trang và ăn uống trả lại mặt bằng.
Hiện nay một số chủ đầu tư vẫn giữ các chính sách ưu đãi cho các khách thuê hiện hữu và khách thuê mới, mặc dù không nhiều như trong đợt bùng dịch đầu năm. Các hình thức ưu đãi chủ yếu như giảm 50% phí dịch vụ, giảm 10-30% giá thuê tùy theo ngành hàng hoặc miễn 100% giá thuê trong thời gian buộc phải đón cửa vì dịch như trường hợp của AEON Mall Bình Tân.
Theo Zing