Giá vàng SJC liên tục tăng, sửa Nghị định 24 thế nào để tránh sốc?
Đà tăng giá vàng SJC vẫn duy trì
Trong vòng chưa đẩy một tuần, giá vàng SJC hai lần tiệm cận mức giá kỷ lục 81 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giữa giá mua và bán cũng cao, quanh mức 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng trong bối cảnh vàng thế giới cũng thiết lập kỷ lục mới khi vượt mốc 2.100 USD/ounce vào hôm 5/3.
Lý giải cho điều này, trao đổi với chúng tôi ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết giá vàng SJC tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu donguồn cung vàng này hạn chế.
“Từ giờ đến lúc Nghị định 24 sửa đổi được ban hành thì tình hình giá vàng SJC giữ ở mức cao, chênh lệch nhiều so với thế giới sẽ còn tiếp diễn. Vàng SJC càng ngày càng hiếm nên giá sẽ còn cao lên”, ông Khánh nói.
Ông cho rằng chỉ khi các công ty sản xuất, kinh doanh vàng khác như Doji, PNJ được phép sản xuất vàng miếng thương hiệu của riêng mình thì lúc đó giá vàng SJC mới xuống được. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn trong quá trình sửa đổi nghị định thì “mọi thứ mới chỉ trên giấy tờ”, chưa có biện pháp thực tế can thiệp thị trường. "Khi nào tăng nguồn cung SJC thì giá mới có thể giảm xuống được", ông lưu ý.
Theo ông Nghị định 24 đã phát huy tốt vai trò của việc chống vàng hoá kinh tế. Tuy nhiên ở bối cảnh hiện tại nghị định này không còn phù hợp bởi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là quá lớn.
“Trong 5 năm đầu khi Nghị định 24 mới ra đời, mức độ chênh lệch không quá lớn, khoảng 3, 4 triệu đồng/lượng. Nhưng kể từ năm 2020, mức độ chênh lệch ngày càng nới rộng ra lên 10 - 15 triệu, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng”, ông Khánh nói.
Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo NHNN có biện pháp giảm bớt chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đối với vàng miếng và phù hợp tình hình mới, hạn chót cho việc công bố các quy định sửa đổi này là cuối quý I.
Nên sửa Nghị định 24 thế nào để tránh sốc?
Theo giới chuyên gia, việc thay đổi Nghị định 24 là điều cần thiết để có thể khiến giá mặt hàng này giảm để tiệm cận với thị trường thế giới. Tuy nhiên cũng có những lo ngại rằng giá vàng SJC sẽ giảm mạnh và những người lỡ mua ở giá đỉnh 80 - 81 triệu đồng/lượng sẽ chịu thiệt hại nặng.
Tuy vậy theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh: “Chúng ta cần chờ đợi quyết định cuối cùng của NHNN đối với chính sách vàng. Chỉ đạo của Thủ tướng là giúp thị trường vàng Việt Nam tiệm cận với vàng thế giới chứ không phải là “đạp” thật sâu như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, giá vàng SJC sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn do vàng 9999 trước tới nay vẫn đi sát so với thế giới”.
Còn theo Phó Chủ tịch VGTA Huỳnh Trung Khánh, để giảm thiểu rủi ro các nhà quản lý nếu cho phép các doanh nghiệp khác sản xuất vàng miếng thì cũng nên đưa hàng ra thị trường một cách từ từ.
“Ví dụ, nếu thị trường cần 1.000 lượng vàng miếng thì chúng ta chỉ nên tung ra 100 - 200 lượng, giá sẽ sẽ giảm dần dần. Nếu tung ra một cách ồ ạt thì vàng sẽ giảm mạnh”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng bất cứ loại hình đầu tư nào cũng có mức độ rủi ro nhất định, kể cả vàng - tài sản được mệnh danh là nơi trú ẩn an toàn.
“Nếu nhà đầu tư lỡ mua vàng ở mức giá cao, khi giá giảm thì cũng phải chịu. Nhưng việc đưa giá vàng trong nước tiệm cận với vàng thế giới là điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng buôn lậu từ Lào, Campuchia. Giá vàng của các nước này cũng đang rất gần với thế giới, nếu không thay đổi quy định thì rất khó cản được chuyện buôn lậu”, Phó Chủ tịch VGTA nói.