Giá xăng, dầu đồng loạt giảm

Đông Bắc 15:15 | 21/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ 15h00 chiều nay (21/2), mỗi lít xăng RON95-III và E5 RON92 đều hạ 320 đồng, các mặt hàng dầu (trừ mazut) cũng giảm 700-750 đồng.

 

Chiều 21/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 320 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92 và RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.540 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.440 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng tiếp tục điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 700 đồng/lít còn 20.860 đồng/lít. Như vậy, giá dầu diesel đã về mức thấp hơn giá mặt hàng xăng.

 Giá xăng giảm về hơn 22.500 đồng/lít. Ảnh BCT.

Như vậy, giá xăng trong nước quay đầu giảm sau 2 lần tăng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 6 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 1 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ tiếp tục không trích lập vào Quỹ bình ổn với các loại xăng, dầu mazut. Mức trích quỹ với dầu diesel và dầu hỏa giữ nguyên như kỳ điều hành ngày 13/2, lần lượt 600 đồng và 200 đồng một lít. Mức chi Quỹ với xăng và dầu vẫn duy trì 0 đồng.

 

Sau điều chỉnh giá xăng dầu trong nước từ 15h00 ngày 21/2 là:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 22.542 đồng/lít

- Xăng RON95-III: không cao hơn 23.443 đồng/lít

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 20.806 đồng/lít

- Dầu hỏa: không cao hơn 20.846 đồng/lít

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.251 đồng/kg

Mới đây, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri về đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, Bộ Tài chính cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập.

"Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, ví dụ: Pháp, Đức, Italy, Anh, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào...", Bộ Tài chính thông tin.

Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1995. Bộ Tài chính cho rằng quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải.