Giá xăng tăng, dầu giảm gần 1.000 đồng/lít
Theo quy định, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/2 rơi vào thứ 7 (ngày nghỉ) nên được chuyển sang hôm nay (ngày 13/2).
Cơ quan điều hành quyết định tăng 540 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 620 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.860 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.760 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu cũng tiếp tục giảm với mức giảm mạnh hơn giá xăng. Cụ thể, dầu diesel giảm 960 đồng/lít còn 21.560 đồng/lít.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước tiếp tục tăng. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 30/1, Petrolimex dương 2.167 tỷ đồng, PVOil âm 451 tỷ đồng, Saigon Petro 294 tỷ đồng, Petimex là 389 tỷ đồng...
Hiện nay, chiết khấu xăng dầu cho các doanh nghiệp bán lẻ được các đầu mối đẩy lên cao mức 1.000-2.400 đồng/lít trong bối cảnh giá xăng dầu dự báo giảm. Đơn cử, ngày 13/2, chiết khấu dầu DO ở các kho Hoàng Huy, Petec, Cái Lân lên mức 2.300 đồng/lít; xăng RON 95 ở các kho Diêm Điền, Mipec, Đình Vũ, Hoàng Huy ở mức 1.100 đồng/lít...
Tại dự thảo 2 tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và quy định vào ngày thứ Năm hàng tuần.
“Trong giai đoạn giữa hai kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá”, Dự thảo nêu.
Bộ Công Thương cho rằng phương án này sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh việc giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.