Giá xăng dừng tăng, dầu tiếp tục
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ chiều 11/9, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) và E5 RON 92 giữ nguyên giá bán như đầu tháng 9. Tương tự, dầu hỏa và mazut cũng giữ ổn định giá bán. Riêng dầu diesel tăng lên 23.050 đồng một lít. Như vậy, giá xăng bán lẻ trong nước đứt mạch tăng lần thứ 7 liên tiếp trong hai tháng.
Kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ tiếp tục không trích lập từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức chi từ quỹ này với xăng E5 RON 92 và dầu mazut lần lượt là 14 đồng và 27 đồng mỗi lít, kg. Các mặt hàng xăng, dầu còn lại không chi quỹ.
Như vậy sau điều chỉnh, giá xăng dầu từ 15h00 chiều (11/9) là:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 23.471 đồng/lít
- Xăng RON95-III: không cao hơn 24.871 đồng/lít
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 23.055 đồng/lít
- Dầu hỏa: không cao hơn 23.188 đồng/lít
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.704 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Thị trường xăng dầu thế giới tăng, giảm đan xen do lo ngại về nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung, OPEC+ tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông và nhu cầu của Trung Quốc không như mong đợi do phục hồi kinh tế chậm chạp.
Bình quân giá thành phẩm mỗi thùng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5RON92) giảm 0,1%, về 103,14 USD; RON 95 là 108,94 USD, hạ 0,16%. Còn dầu diesel tăng lên 119,95 USD một thùng, tương đương 1,9%; dầu hoả cũng đắt thêm hơn 1,7%, lên 120,85 USD mỗi thùng.
Trước diễn biến tăng nóng của giá xăng dầu, mới đây Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ và các cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, PVN và cơ quan, đơn vị liên quan xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới, nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước để điều hành giá, sử dụng quỹ bình ổn giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.