Giải pháp giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn hiệu quả
(DNVN) - Trong những năm qua, Nhà nước đã rất nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực cho kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, giải pháp nào giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, khơi thông được nguồn vốn vẫn là câu hỏi cần nhiều lời giải.
Theo số liệu từ Ban Kinh tế Trung ương, năm 2018, tỉ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so với GDP hơn 130%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP; tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP.
Nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng; duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định nhằm cân đối vốn kịp thời hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, tỉ trọng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng từ mức 21,6% năm 2016 lên mức 24,8% trong năm 2018 và mức 25,2% tháng 3/2019.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối năng lực tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro khoản vay; chia sẻ khó khăn với khách hàng; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển; trong đó, có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỉ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, có một số nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng như trên như: Thứ nhất, phía doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch kinh doanh dài hạn, chưa có thói quen sử dụng vốn dài hạn và xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn. Thứ hai, doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa được rõ ràng, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Thứ ba, chưa đáp ứng được điều kiện phát hành trái phiếu, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp mang tính lâu dài, tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa có các tổ chức xếp hạng tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư... Thông tin chưa được minh bạch, công khai, chỉ tập trung vào trái phiếu chính phủ, bảo lãnh...
Do vậy, để tiếp tục phát triển thị trường vốn, khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp như sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi); thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, tái cơ cấu các định chế trung gian, tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư, cũng như tái cơ cấu thị trường giao dịch.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam theo chuẩn mực kế toán quốc tế; áp dụng các chuẩn mực về an toàn tài chính và công bố thông tin, công khai, minh bạch; phát triển thị trường chứng khoán phái sinh; tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quản lý giám sát hoạt động thị trường vốn, thị trường chứng khoán, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm phát triển thị trường lành mạnh.
Để doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn tới nguồn vốn, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, giải pháp là rà soát, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hiện đại hóa công nghệ thông tin, sớm hình thành công ty xếp hạng tín nghiệm đủ năng lực. Về phía doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn, có lộ trình đủ lớn, tập trung vào phát triển vốn thông qua phát hành trái phiếu...