Kịch bản nào cho việc cung ứng hàng hóa Tết 2022?

Duy Anh 07:48 | 31/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho biết đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nhâm Dần 2022 trong bối cảnh các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hoạt động lưu thông hàng hoá trên thị trường dần được phục hồi.

Cụ thể, Bộ Công Thương đánh giá rằng thị trường hàng hoá trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hoá thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao. Vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hoá tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.

Nhưng, với tinh thần "đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá trong bất cứ hoàn cảnh nào", Bộ Công Thương đã kích hoạt các phương án, huy động các nguồn cung, kể cả các địa bàn có dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. 

Cơ quan đầu ngành công thương cho biết thêm, làn sóng COVID lần thứ tư cơ bản  đã được khống chế, nhu cầu của nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại. Hai tháng cuối năm là khoảng thời gian tập trung vào sản xuất, lưu thông và mua sắm chuẩn bị cho các ngày lễ Tết. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tăng trong các tháng cuối năm. 

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp vẫn là trọng tâm của kế hoạch cuối năm do Bộ Công Thương xây dựng

Hiện tại các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hoá, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn. Bộ cho biết kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường trên các tỉnh thành theo chỉ đạo đã đề ra, thị trường hàng hoá thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường.

Bộ Công Thương cho biết với mọi giải pháp ổn định thị trường và giá cả hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan cùng các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc để bảo đảm nguồn cung hàng hoá, các mặt hàng thịt lợn, phân bón, xăng dầu cho nhu cầu người dân, cũng như thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kế hoạch, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh diễn có thể hoành hành. 

Trả lời Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã tiết lộ một số nội dung của kế hoạch này.

Đầu tiên, Bộ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc việc sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó, cơ quan còn ra chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch COVID-19 và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết. 

Tiếp theo, mạng lưới cung ứng hàng hóa cho người dân được thực hiện thông qua các nhiều kênh kênh phân phối truyền thống như chợ đầu mối, chợ truyền thống và các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, các cửa hàng tiện ích.

Tại các địa phương, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… thường được giao cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường hoặc các doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Rút kinh nghiệm triển khai các phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân khi dịch bệnh bùng phát kéo dài tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong trường hợp các chợ đầu mối truyền thống bị đóng cửa thì các địa phương sẽ triển khai nhiều phương thức bán hàng thay thế trong thời gian các chợ tạm dừng.

Ông Đông đưa ra ví dụ về mô hình “mang chợ ra phố”; bố trí các điểm bán hàng, xe bán hàng lưu động, các điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng cố định, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và thậm chí có cả những “siêu thị 0 đồng,” không chỉ đảm bảo việc cung ứng hàng hóa mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Ngoài những nội dung về kế hoạch cung ứng hàng hóa cuối năm, Bộ Công Thương còn đưa ra dự báo giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao và bên cạnh đó xăng dầu tăng giá tác động tới giá của nhiều hàng hoá tiêu dùng. 

Dữ liệu Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong đó, có 3 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng tăng giá. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%. Nguyên nhân khiến CPI tháng 10/2021 giảm là do nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm.

 

Sẽ là một mùa mua sắm ảm đạm cuối năm?

Ông Trần Duy Đông dự báo rằng sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

Nguyên nhân xuất phát từ dịch COVID-19 đã diễn biến phức tạp trong suốt nhiều tháng trời của năm 2021 trên cả nước làm tác động tiêu cực tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân nhìn chung đều giảm.

Cũng theo vị Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thì xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi sau những hậu COVID-19 bệnh nhằm tiếp tục chống dịch, hạn chế đến tụ tập nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh.