Giải quyết vấn đề nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, công nhân với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

15:00 | 22/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp dành cho đối tượng là các chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất...

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã có những báo cáo về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất. 

Số liệu của cơ quan đầu ngành xây dựng cho biết, trên địa bàn cả nước tính đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2. 

Khu lưu trú công nhân – KCX Tân Thuận Sadeco. Ảnh: Sadeco

Về phần dự án nhà ở xã hội cho công nhân, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành xong  việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2,7 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6,7 triệu m2. 

Bộ Xây dựng lưu ý rằng từ đầu năm 2021 trở lại chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao. Do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, hầu hết dự án bị chậm tiến độ.

Đề cập đến hạn chế, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập trong việc thực hiện dự án nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng cho biết, vẫn chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân.

Cụ thể theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.

Một vấn đề khác được chỉ ra là vẫn có sự chưa thống nhất giữa các pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: Luật Nhà ở, Luật Đất, Luật Đầu tư và Nghị định số 82 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng nêu rõ trách nhiệm liên quan của một số địa phương chưa quan tâm  chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Chưa dành sự chú ý đúng mức cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

Về các giải pháp, hiện Bộ đang tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê.

Vấn đề nguồn vốn cũng được đề cập tới. Bộ đang trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm tới 2021- 2025.

Ngoài ra, xem xét bổ sung thêm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội song hành với việc tổ chức ngân hàng được chỉ định để cho vay phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025. 

Sớm chi ra 3.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà công nhân) theo Nghị quyết 41 của Chính phủ.

Bên cạnh đó Bộ Xây dựng kiến nghị căn cứ Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp - khu chế xuất vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Trong đó bao gồm nhà ở công nhân qua đó góp phần đảm bảo "mục tiêu kép": Vừa đảm bảo an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân) vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững và gỡ vướng cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản. 

 

Dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý 4/2021 có mục tiêu chính về nhà ở xã hội như sau: 

Xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội bao gồm công nhân, người thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng thời phấn đấu phát triển và cải tạo sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021 đến năm 2030 đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà. Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu nguời toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người.

Tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.