Giảm thuế VAT: Giải pháp thiết thực để nuôi dưỡng nguồn thu

Thùy Dương/TTXVN 08:37 | 28/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) dự kiến thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng đây cũng là giải pháp thiết thực nhất để nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong bối cảnh như hiện nay, để nói trước được liệu gói hỗ trợ VAT này có thể tác động ngay đến việc kích hoạt sản xuất kinh doanh hay không thì cần phải theo dõi thêm, nhưng các chuyên gia tin tưởng rằng việc giảm thuế này sẽ làm giảm áp lực về lạm phát.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách nhà nước đã thể hiện sự đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Bởi lẽ, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc giảm thuế VAT 2% là một động lực quan trọng để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, năm 2024 dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực, lạm phát có thể hạ và tăng trưởng có thể cao hơn so với năm 2023.

Tuy nhiên, giao thương quốc tế vẫn còn rất nhiều khó khăn do đó cùng với việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh nhu cầu chi tiêu thì việc giảm từ 10% xuống 8% thuế giá trị gia tăng của nhiều các nhóm mặt hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động đầu vào bởi giá hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ giảm dẫn tới chi phí vốn thấp đi hạ được chi phí sản xuất. Đối với tác động đầu ra, việc giảm thuế đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng người ta mua được nhiều hàng hóa hơn và từ đó thúc đẩy thị trường trong nước phát triển.

“Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, kích thích được sản xuất trong nước cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, từ đó kiểm soát lạm phát và đồng thời cân đối vĩ mô khác có thể phát triển”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng; khoảng 25 nghìn tỷ đồng/6 tháng.

Nếu Nghị quyết này đi vào cuộc sống, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp việc giảm thuế giá trị gia tăng được thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, năm 2023, với riêng giảm thuế giá trị gia tăng, qua 4 tháng thực hiện, từ tháng 7 - 10/2023 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Công ty cổ phần Prime Yên Bình (Vĩnh Phúc) là doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Trong bối cảnh năm nay khi đơn hàng sụt giảm, chính sách giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện, số tiền giảm từ thuế giá trị gia tăng tuy không phải là lớn những sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho hơn 240 lao động.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Prime Yên Bình cho biết, nhờ có nguồn tiền này, công ty đã đầu tư vào cải tiến thiết bị, từ đó, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Bên canh đó, khi thuế VAT giảm thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ hạ, khả năng mua và sử dụng tăng lên thì sản lượng cũng sẽ ổn định. Đây chính là ảnh hưởng trực tiếp của sắc thuế này mang lại.

Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mà cần phải áp dụng thêm các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Bên cạnh những kỳ vọng về tác động của chính sách này, cũng có ý kiến cho rằng việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng là chưa đủ đối với doanh nghiệp, người dân nói riêng và với nền kinh tế vĩ mô nói chung. Thực tế, việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng đã được thực hiện trong những tháng đầu năm 2023, nhưng thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng năm 2023 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Trong mức tăng 0,08% của CPI tháng 10/2023 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và chỉ 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Mặt khác, theo ghi nhận của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%./.