GIZ đề xuất công nghệ cho phép các nguồn năng lượng tái tạo hòa lưới điện tại Việt Nam
Theo đó, tính đến tháng 2/2019, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam là 50,3 GW, trong đó, nguồn năng lượng sản xuất điện chính là thủy điện (chiếm 40%), than đá (37,6%), khí tự nhiên (18,1%) và nguồn nhập khẩu (2,8%). Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc Gia (QHĐ VII điều chỉnh, tháng 3/2016), Việt Nam đặt mục tiêu tăng đáng kể tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện (800 MW điện gió và 850 MW điện mặt trời đến năm 2020). Do các cơ chế khuyến khích được áp dụng thành công cho việc phát triển nguồn năng lượng điện gió và điện mặt trời nên đến cuối năm 2019, 400 MW điện gió và 2.000 MW điện mặt trời dự kiến sẽ hòa lưới điện. Con số này dự báo sẽ còn tăng trong tương lai.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi trong cơ cấu sản xuất điện lại là thách thức đối với việc quản lý lưới điện bởi lẽ việc quản lý này phải đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, lâu dài và giá cả phù hợp.
Nhận thức được vấn đề này, ngày 8/11/2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 1670/QĐ-TTg về Phát triển Lưới điện Thông minh ở Việt Nam (viết tắt: Lộ trình Lưới điện Thông minh). Lộ trình này nhằm cải thiện chất lượng và độ tin cậy của nguồn cung cấp điện đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng điện hiệu quả.
Dự án SGREEE của GIZ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Lộ trình Lưới điện Thông minh. Với ngân sách tài trợ từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) theo hình thức vốn ODA không hoàn lại, dự án phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tiết Điện lực hỗ trợ các chuyên gia trong ngành điện lực Việt Nam phát triển lưới điện thông minh nhằm giúp tăng tỉ trọng hòa lưới điện của nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy mạnh mẽ hơn hiệu quả năng lượng.
Dự án được thực hiện từ năm 2017 đến 2021, tập trung vào ba Lĩnh vực Hoạt động chính: Xây dựng Khung chính sách, Nâng cao Năng lực và Hợp tác Kỹ thuật.
Lưới điện thông minh là lưới điện truyền dẫn hai chiều, trong đó, điện năng và thông tin có thể truyền tải theo hai hướng: từ nhà sản xuất điện tới người tiêu thụ và ngược lại. Lưới điện Thông minh sử dụng công nghệ số để tăng cường tính ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống điện, đồng thời cho phép các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, như năng lượng điện gió và điện mặt trời, có thể hòa lưới điện quốc gia trên diện rộng. Ngược lại, hệ thống điện lưới hiện tại chỉ có phép việc truyền dẫn một chiều: Điện năng chỉ đi theo một hướng từ nhà máy điện đến người tiêu thụ.