Góc nhìn mới khi đánh giá về triển vọng kinh tế Mỹ và châu Âu
Các dự báo về triển vọng kinh tế năm 2020 đã nhanh chóng bị phá hủy bởi đại dịch COVID-19. Sang năm 2022, xung đột ở Ukraine (U-crai-na) lại tiếp tục làm chệch hướng những dự báo trước đó. Tuy nhiên, những cú sốc bên ngoài không phải yếu tố duy nhất khiến các dự báo thất bại. Khi nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những sóng gió, nhiều tiếng nói đã đề cập tới những “cơn bão kinh tế” hoặc tuyên bố rằng kinh tế Mỹ sẽ sớm suy thoái. Đến thời điểm năm 2022 sắp kết thúc, nền kinh tế Mỹ vẫn khá khỏe mạnh, mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn về vĩ mô.
Nếu các dự báo thường xuyên thất bại như vậy, làm thế nào để giới đầu tư có thể lập kế hoạch cho năm 2023? Thay vì đặt câu hỏi liệu có xảy ra suy thoái hay không, nhà đầu tư nên hỏi điều gì sẽ gây ra suy thoái. Chuyển từ dự báo một thời điểm cụ thể sang xác định khung rủi ro, xem xét nhiều kịch bản trong tương lai sẽ giúp nhà đầu tư phản ứng bình tĩnh hơn khi cú sốc thực sự xảy ra.
Việc có một khung xác định rủi ro không giúp nhà đầu tư nhìn thấu tương lai, cũng như không thể làm giảm nguy cơ suy thoái ngoài thực tế. Nhưng cách nhìn nhận này có thể mang tới nhiều đánh giá đa sắc thái hơn so với các dự báo đã gây thất vọng vào năm 2022.
Một cách nhìn nhận mới về dự báo kinh tế
Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower có một câu nói nổi tiếng rằng: “Kế hoạch thì vô dụng, nhưng việc lập kế hoạch lại không thể bỏ qua”. Áp dụng trong tình hình hiện tại, có thể hiểu rằng các dự báo không có giá trị, mà quá trình phơi bày các yếu tố thuận lợi cũng như các rủi ro sắp tới và xây dựng nhiều kịch bản kết quả tiềm năng mới quan trọng.
Cụ thể, các quản lý doanh nghiệp cấp cao không nên đặt câu hỏi liệu suy thoái có xảy ra hay không, mà nên hỏi điều gì sẽ dẫn đến suy thoái. Nói cách khác, họ cần chuyển quan điểm nhìn nhận tình hình từ kết quả sang động lực.
Một khung xác định triển vọng cao cấp cho thấy có ba con đường có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Đầu tiên, nền kinh tế thực (gồm người tiêu dùng và doanh nghiệp) có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái khi xảy ra những cú sốc phá vỡ niềm tin của họ, khiến họ ngừng chi tiêu và hủy bỏ các kế hoạch đầu tư. Dù đúng là một cú sốc rất lớn (như các đợt phong tỏa thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành) sẽ khiến ngay cả nền kinh tế mạnh nhất "ngã qụy", điều này thường có nghĩa là giới quản lý và đầu tư cần cân nhắc quy mô của một cú sốc so với sức mạnh hiện thời của nền kinh tế. Một nền kinh tế tương đối khỏe mạnh có thể hấp thụ được một số cú sốc. Và mặc dù suy thoái kinh tế nhiều khả năng trở nên nghiêm trọng, chúng thường không dẫn tới bước ngoặt về cấu trúc và cho phép các nền kinh tế phục hồi về xu hướng trước đó.
Thứ hai, giới hoạch định chính sách tiền tệ có thể dẫn các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Suy thoái do chính sách xảy ra khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất quá nhanh, quá cao hoặc quá lâu, thắt chặt các điều kiện tài chính và bóp nghẹt nền kinh tế. Khi kịch bản thay thế là một giai đoạn lạm phát cao và đe dọa dẫn tới nhiều vấn đề lớn hơn, một cuộc “hạ cánh khẩn cấp” cho nền kinh tế có thể là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, các công cụ chính sách gần như không có khả năng xác định chính xác làm thế nào để đà tăng trưởng và giá cả đều chậm lại một cách “nhẹ nhàng”. Khi các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất, các công cụ mạnh mẽ của họ thường làm tăng nguy cơ suy thoái.
Thứ ba, suy thoái tài chính có thể xảy ra sau khi “bong bóng tài chính” vỡ, hoặc một cú sốc khiến hệ thống ngân hàng rung chuyển. Đây thường là loại suy thoái tồi tệ nhất vì chúng có thể gây thiệt hại lâu dài cho các bảng cân đối kế toán và định chế tài chính trung gian (như các ngân hàng thương mại), đòi hỏi một quá trình tái thiết chậm chạp kéo dài. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu năm 2011 đều là những cuộc suy thoái tài chính, nhưng đáng mừng là không phải tất cả các cuộc suy thoái và phục hồi đều đau đớn như vậy.
Suy thoái kinh tế thực tại châu Âu
Dựa vào khung đánh giá nêu trên, giới quan sát nhận định dù giá năng lượng toàn cầu là một “cơn gió ngược” mạnh mẽ đối với nền kinh tế Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) mới là nơi một cú sốc lớn hơn đang đẩy các nền kinh tế dễ bị tổn thương vào suy thoái. Câu hỏi đặt ra ở đây là cuộc suy thoái đó có thể sâu bao nhiêu và kéo dài đến mức nào.
Phần lớn những cảnh báo u ám của năm 2022 đã không xảy ra vì các số liệu vĩ mô mang tới một chuỗi những bất ngờ tích cực. Nhiều công ty châu Âu đã thể hiện khả năng phục hồi của họ. Đến quý III/2022, sản xuất công nghiệp của Đức đã tương đương với mức của cùng kỳ năm 2021, trong khi sử dụng khí đốt tự nhiên ít hơn khoảng 10 - 20%.
Liệu năm 2023 sẽ mang đến nhiều bất ngờ đáng mừng như vậy hay sự sụp đổ chỉ đơn thuần bị lùi lại? Nhiều nhà bình luận đã chọn lời nhận định thứ hai, cho rằng việc mùa Đông năm nay không tồi tệ như dự báo đơn giản là những điều đen tối hơn bị trì hoãn sang năm sau.
Vẫn không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc, đặc biệt trong trường hợp cú sốc năng lượng gia tăng hoặc xuất hiện một cú sốc mới. Nhưng nếu những kịch bản đó không xảy ra, nền kinh tế thực của châu Âu có thể tiếp tục gây bất ngờ. Các công ty vẫn có nhu cầu lẫn khả năng đầu tư đáng kể, còn thị trường lao động vẫn thắt chặt so với mức trung bình nhiều năm qua.
Đối với những người vẫn muốn tìm kiếm về kịch bản châu Âu suy thoái, rủi ro nằm ở loại suy thoái thứ hai, suy thoái do chính sách. Lạm phát ở châu Âu cho đến nay chủ yếu do giá năng lượng, điều mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không thể tác động và khiến họ không quá mạnh tay tăng lãi suất. Nếu lạm phát ở châu Âu mở rộng giống như tình hình tại Mỹ, chính sách tiền tệ có thể trở thành tác nhân thứ hai gây suy thoái ở Eurozone.
Kinh tế Mỹ: Khi mạnh mẽ cũng là điểm yếu
Mỹ tiếp tục đối mặt với một loạt rủi ro khá khác biệt so với châu Âu vào năm 2023. Thay vì nền kinh tế thực đang tăng trưởng chậm lại, các công ty Mỹ vẫn tiếp tục tuyển dụng và các hộ gia đình tiếp tục chi tiêu. Các cảnh báo về suy thoái trong năm nay đã không thành sự thật. Tuy nhiên, mọi dấu hiệu về một nền kinh tế khỏe mạnh lại là vấn đề đối với nước Mỹ, vì chúng góp gió cho “ngọn lửa” lạm phát và thúc đẩy Fed hướng tới một đường lối chính sách thậm chí còn quyết liệt hơn.
Mặc dù lạm phát tổng thể tại Mỹ dường như đã đạt đỉnh điểm với sự sụt giảm đáng kể so với mức cao vào tháng Sáu, tốc độ tăng giá vẫn còn quá cao và hành trình hướng tới một giai đoạn lạm phát tăng ở mức chấp nhận được còn nhiều bất ổn. Ngay cả khi áp lực giá cả giảm bớt, nếu thị trường lao động không giảm bớt tốc độ tuyển dụng và tăng lương, lạm phát tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng quá “nóng”.
Tuy nhiên, vấn đề lạm phát của Mỹ không cần một cuộc “hạ cánh cứng” vì kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn được kiềm chế. Song việc làm chậm đà tăng của thị trường lao động bằng chính sách lãi suất — vốn có độ trễ lớn và dễ thay đổi — là một công cuộc nhiều khó khăn. Những kết quả ban đầu của hướng đi này khá đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Chính sách tiền tệ có thể vẫn là một cơn gió ngược đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nhiều năm.
Về tổng thể, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang điều chỉnh để đối phó với cú sốc đại dịch COVID-19 cùng những phản ứng chính sách sau đó. Những rủi ro mới được tạo ra bởi sự xung đột giữa các yếu tố cả thuận lợi và bất lợi khiến kinh tế toàn cầu khó có thể sớm bước vào giai đoạn bình ổn.
Dù vậy, trừ khi xuất hiện những cú sốc mới, con đường phía trước không quá đen tối như nhiều người vẽ nên. Châu Âu có cơ hội tránh được những kết quả tồi tệ nhất của một cuộc suy thoái kinh tế, đồng thời có thể biến điểm yếu theo chu kỳ thành sức mạnh cấu trúc: Chính sách tiền tệ của khu vực có thể vĩnh viễn thoát khỏi lãi suất âm, thị trường lao động tiếp tục thắt chặt và hoạt động đầu tư tăng mạnh giúp giải quyết những thách thức về cấu trúc. Đây đều là những lĩnh vực châu Âu từng phải chùn bước trong quá khứ.
Còn tại Mỹ, con đường trước mắt vẫn có thể mang tới một kịch bản “hạ cánh mềm” hợp lý. Khi đó, số việc làm đăng tuyển có giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn ở mức thấp, mặc dù suy thoái kinh tế vẫn còn khả năng xảy ra.
Thách thức đối với cả Mỹ và châu Âu là con đường phía trước còn rất dài. Châu Âu sẽ sống trong nỗi ám ảnh về rủi ro nguồn cung năng lượng liên quan đến căng thẳng địa chính trị, trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ sẽ cần nhiều thời gian. Đây đều là những con đường nguy hiểm và khó đoán trước – chúng sẽ không cần một kế hoạch mà là rất nhiều thời gian nghiên cứu tình hình trước khi lên kế hoạch./.