Kinh tế Mỹ phục hồi ngoài dự kiến trong quý III/2022

Minh Trang/ TTXVN (Theo Financial Times) 07:37 | 28/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi trong quý III/2022, sau khi sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nay, do thâm hụt thương mại thu hẹp đã nâng đỡ cho việc nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Điều này cho thấy suy thoái vẫn chưa “gõ cửa” nền kinh tế lớn nhất thế giới, song vẫn không thể giúp các nhà kinh tế thoát khỏi tâm lý bi quan.

 

Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ được công bố ngày 27/10 cho hay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III/2022 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế và đánh dấu “cúc lội ngược dòng” ấn tượng từ mức suy giảm 0,6% trong quý II và mức giảm 1,6% quý I năm nay.

Đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý III vừa qua được thúc đẩy bởi sự thu hẹp của thâm hụt thương mại, khi nhu cầu tiêu dùng yếu khiến nhập khẩu giảm, trong khi xuất khẩu lại tăng. Điều này diễn ra bất chấp thâm hụt hàng hóa của Mỹ ngày càng gia tăng trong tháng Chín, do đồng USD mạnh đè nặng lên hoạt động xuất khẩu. 

Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 1,4% trong quý III/2022, chậm hơn nhiều so với quý trước đó. Điều đó cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu tăng trưởng chậm lại.

Dữ liệu do Bộ Thương mại công bố đã chấm dứt các cuộc tranh luận sôi nổi suốt mùa Hè về việc liệu nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để xua tan nỗi lo sợ rằng các biện pháp mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang thực hiện để đẩy lùi đà tăng lạm phát cuối cùng cũng sẽ dẫn đến các cuộc tranh luận này một lần nữa.

Việc một nền kinh tế trải qua hai quý sụt giảm GDP liên tiếp từ lâu đã được coi là tiêu chí chung cho cái gọi là "suy thoái kỹ thuật". Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Fed đã bác bỏ khải niệm đó, viện dẫn nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang đứng vững.

Nhóm các nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho rằng, suy thoái là “sự suy giảm đáng kể trong các hoạt động kinh tế trên diện rộng của mộtquốc gia và nó phải kéo dài hơn một vài tháng”. Họ thường xem xét một loạt các số liệu bao gồm tăng trưởng việc làm hàng tháng, chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng hóa và dịch vụ và sản lượng công nghiệp.

Fed đã sẵn sàng thực hiện đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp tại cuộc họp tháng 11 tới. Động thái này có thể sẽ nâng mức lãi suất mục tiêu của ngân hàng này lên 3,75%-4%.

Mặc dù Fed có thể sớm xem xét việc làm giảm tốc độ tăng lãi suất, sớm nhất là vào tháng 12, nhưng dự kiến ngân hàng này sẽ không sớm chuyển hướng hoàn toàn khỏi chính sách thắt chặt tiền tệ.

Do các động thái của Fed sẽ có tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động, hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ về cơ bản sẽ tăng so với mức hiện tại là 3,5% và nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới.