Gói hỗ trợ lãi suất 2% cho sản xuất, kinh doanh: Món quà không dành cho tất cả

Thùy Dung 16:17 | 26/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm có giá trị 40.000 tỷ đồng, nếu được sử dụng hết, sẽ bơm nguồn vốn rẻ quy mô 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Hơn 80% tổng tín dụng vẫn theo lãi suất thị trường, và rào cản chuẩn vay không cho phép tất cả nhận quà.

 

Không có lời giải cho khả năng tiếp cận vốn

Đầu năm 2022, trước thời điểm Quốc hội thông qua  Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) trị giá 350.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký (TTK) Hiệp hội (HH) Mía đường Việt Nam (VSSA) chia sẻ với Doanh nhân Việt Nam rằng khó khăn lớn nhất với toàn ngành mía đường hiện nay là cạn vốn. “Chúng tôi chỉ cần được vay, vay rồi sẽ trả, vì thời gian qua các doanh nghiệp (DN) rất khó khăn. Điều DN trong ngành trông chờ lớn nhất ở Chương trình sắp tới là một cơ chế tiếp cận tín dụng cởi mở hơn”, ông Lộc trăn trở trong tình thế mà ông gọi COVID-19 “đòn giáng kép” vào ngành đường vốn đang đối mặt với khó khăn trước nạn nhập lậu và việc thực thi các thỏa thuận cắt giảm thuế quan theo ATIGA.

Nhu cầu vốn là điển hình đối với hầu hết mọi DN trong giai đoạn này. Ông Bùi Hữu Thêm, Phó TTTK HH Gỗ và Mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh phản ánh: “Nhiều DN ngành gỗ đã đi mọi cửa, mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn gặp khó khăn trong thủ tục vay vốn ngân hàng, chưa thể tiếp cận được vốn”. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 kỳ vọng, Chương trình sẽ xây dựng gói hỗ trợ lãi suất và những hỗ trợ tiền tệ khác nhằm duy trì thanh khoản, tạo cho DN niềm tin để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau hai năm đối diện với sức ép dòng tiền vì chi phí đầu vào tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến doanh thu bị ảnh hưởng trầm trọng. Tình cảnh của ngành đường, gỗ hay may mặc không tệ hơn ngành du lịch. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng cho rằng, nhu cầu thiết thực là tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi trong bối cảnh ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất từ đại dịch.

Nhu cầu vốn cũng được phản ánh khá rõ nét ở tổng tín dụng, với mức tăng trưởng 7,75% đến cuối tháng 5 vừa qua, vượt mốc 11,25 triệu tỷ đồng so với con số 10,45 triệu tỷ đồng hồi cuối 2021. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Gói tiền tệ hỗ trợ 2% lãi suất cho vay quy mô 40.000 tỷ đồng là một hợp phần của Chương trình, sẽ được các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm trực tiếp vào phần lãi phải trả của các DN đủ điều kiện nhận gói hỗ trợ này, tương ứng với 2 triệu tỷ đồng tín dụng. Như vậy, hơn 80% tổng tín dụng không nằm trong chương trình. Ngoài ra, theo thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng được hỗ trợ lãi suất giới hạn trong các DN, HTX, hộ kinh doanh trong các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên và nhà ở xã hội.

 

 

Quan trọng hơn, gói này không gắn với việc hạ chuẩn tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn vay với các DN không đảm bảo điều kiện vay của các NHTM. Ông Nguyễn Văn Lộc thừa nhận gói tín dụng này “ngoài tầm với với DN ngành đường”. Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cũng phản ánh: “Nhiều ngân hàng nói rằng không cho DN du lịch vay vì rủi ro rất lớn, thời gian qua không có thu nhập, hoạt động đóng băng”.

Bình luận về thực tế này, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: “DN kẹt vốn, họ mong cơ chế cho vay thông thoáng hơn, lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn. Cả ba vấn đề này hiện đều đang rất khó khăn do cần tài sản đảm bảo, nhất là bất động sản. Còn các dự án đầu tư, cho vay trên nền tảng hàng hóa hoặc thế chấp bằng máy móc thiết bị thì nói chung rất khó khăn. Về thủ tục vay, sở dĩ chậm vì Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải thống nhất cơ chế thực hiện gói hỗ trợ lãi suất, rồi các NH phải xác định dự án cho vay, hồ sơ vay vốn rất cẩn thận”.

 

“Doanh nghiệp kẹt vốn, họ mong cơ chế cho vay thông thoáng hơn, lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn. Cả ba vấn đề này hiện đều đang rất khó khăn do cần tài sản đảm bảo, nhất là bất động sản."

TS. Lê Xuân Nghĩa

Không sợ sai, chỉ lo ít hiệu quả

Cũng như các chính sách hỗ trợ khác, có những băn khoăn về nguy cơ sai đối tượng, sai mục đích. Tuy nhiên, giới nghiên cứu kinh tế cho rằng không cần thiết thổi phồng các lo ngại. “Rất khó sử dụng vốn vay ưu đãi vào mục đích khác vì NHNN quản lý chặt chẽ và NHTM cũng tuân theo quy trình quản lý tín dụng, giải ngân bình thường. Ngoài ra, các đối tượng nào, nhóm nào được hưởng lãi suất ưu đãi, thời hạn ra sao cũng được quy định rõ rồi. Nói chung, quy trình quyết toán giữa DN, NH và cơ quan quản lý rất chặt chẽ và phức tạp, NHTM giám sát toàn bộ các khoản vay như lâu nay họ vẫn làm: DN lập hồ sơ, có sự giám sát của NHTM, trình Bộ Tài chính để hưởng 2% lãi suất hỗ trợ”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Ông Nghĩa cũng gạt bỏ mối lo hỗ trợ lãi suất làm tăng tăng trưởng tín dụng ngoài kiểm soát, vì NHTM cũng cho vay theo đúng hạn mức quy định của NHNN về tăng trưởng tín dụng hàng năm đã được giao. “Cả phương diện vĩ mô và vi mô, gói hỗ trợ lãi suất này đều có khả năng kiểm soát được, vốn sẽ đến đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích. Nếu không trả được nợ vẫn được ghi vào nợ xấu, vẫn trích lập dự phòng rủi ro bình thường, DN chịu lãi trong hạn, lãi phạt…”, vị TS. khẳng định.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng gói hỗ trợ lãi suất lần này được triển khai có trọng tâm trọng điểm, mức hỗ trợ chỉ 2%, đối tượng và thời gian hỗ trợ đều rất cụ thể rõ ràng. Đồng thời, tiêu chí cho vay cũng rất rõ: một là chỉ cho vay với các DN đáp ứng được các điều kiện cơ bản về tín dụng, hai là DN được cho vay phải có khả năng phục hồi chứ không hỗ trợ những DN không còn khả năng phục hồi; ba là lần này gói được triển khai ở tầm Nghị định, theo sau là Thông tư hướng dẫn chi tiết của NHNN. “Sau khi đã hỗ trợ 2%, lãi suất vẫn còn ở mức tương đối cao nên sẽ không xảy ra tình trạng như trước đây là DN nhận tiền rồi gửi vào một nơi khác lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch”, vị Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nói thêm, đồng thời gạt bỏ gợi ý về việc thành lập một ủy ban lâm thời để giám sát việc giải ngân và sử dụng vốn từ gói hỗ trợ lãi suất vì lợi bất cập hại.

Mối băn khoăn chính của giới DN và chuyên gia là hiệu quả thực sự của gói 2%. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng mức hỗ trợ lãi suất 2% thì không phải là lớn, không phải điều đa số DN mong muốn. Tương tự, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Chúng ta kỳ vọng vào đột phá trong khâu thực thi các gói chính sách phục hồi, bởi thiết kế gói đã theo cách truyền thống rồi. Nếu thực thi cũng theo các truyền thống thì không hiệu lực, ít hiệu quả và còn chậm chạp, khiến cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm nay là thách thức”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt bình luận, việc Chính phủ nhanh chóng chuyển sang chính sách sống chung với dịch và sớm mở cửa đường bay với nước ngoài, dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm dịch… thực tế đã là hỗ trợ lớn nhất với ngành du lịch. “Nói cho cùng DN du lịch từ trước đến nay không quá trông chờ các gói hỗ trợ, vì nó chỉ như mang con cá cho người đang đói, ăn vèo là hết. Quan trọng là hỗ trợ môi trường kinh doanh”.

“Các quốc gia trên thế giới thường không “lôi kéo” NHTM vào các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, mà các gói như vậy phải dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa. Vì thứ nhất, thị trường tài chính ngân hàng cũng giống như một thị trường hàng hóa, người bán phải bán đúng giá trị, người mua phải bỏ ra đúng số tiền để nhận được giá trị tương đương thì nó mới là thị trường được. Thứ hai, việc đưa các NHTM tham gia những gói này cũng gây rủi ro ở chỗ các NHTM nhận tiền gửi của dân, không thể “lôi kéo” tiền của dân vào các gói kích thích được. Và cũng như tôi đã đề cập ở trên, bản thân NHTM cũng là doanh nghiệp, họ cũng cần tính đến bài toán kinh doanh”, ông Nghĩa lập luận, và gợi ý tham khảo các chính sách tài khóa thích hợp như phát tiền cho người dân, bảo lãnh trái phiếu cho DN trong điều kiện phù hợp.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2025 là khá tham vọng. Trong ngắn hạn, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 2022 khoảng 6-6,5%, cao hơn rất nhiều so với mức 2,91% và 2,58% lần lượt của hai năm vừa qua. Trong trung hạn, Quốc hội kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% hay phấn đấu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Đồng nghĩa, tăng trưởng GDP giai đoạn 2022-2025 phải đạt ít nhất 7,5% mỗi năm, tăng trưởng doanh nghiệp ròng bình quân phải đạt ít nhất 138.000 doanh nghiệp mỗi năm, do đến năm 2020 cả nước mới có khoảng 810.000 doanh nghiệp (số liệu từ Tổng cục Thống kê).

Dù cả Quốc hội và Chính phủ đều sốt sắng với việc triển khai Chương trình, kết quả sau 4 tháng cho thấy điểm nghẽn lớn nhất lại nằm ở việc giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng. Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 11/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự sốt ruột: “Chương trình [phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội] chỉ giải ngân trong thời gian 2 năm 2022 - 2023, nhưng tới nay đã nửa năm 2022 rồi mà việc triển khai vẫn chậm. Báo cáo dự kiến điều hòa vốn chương trình này với đầu tư công nhưng vừa rồi rà soát lại thì năm nay chỉ bổ sung thêm dự toán 18.000 tỷ đồng”.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá: “Chương trình mới thực hiện được một phần, chủ yếu là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế; hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, hay các chương trình cho vay từ Ngân hàng CSXH cho hộ nghèo… Tuy nhiên, hai hạng mục lớn nhất là gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 113.000 tỷ và gói hỗ trợ lãi suất 2% đến nay vẫn triển khai chậm”. Ông Nghĩa cho rằng sự chậm trễ cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân tương tự như thực trạng đầu tư công trong những năm qua.

Trước nguy cơ vuột các chỉ tiêu, TS. Vũ Tiến Lộc cảnh báo: “Chỉ tiêu sẽ xa vời nếu không có giải pháp đột phá nào về khung khổ chính sách pháp lý”. Để cải thiện sự chậm trễ này, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế từ Học viện Tài chính gợi ý: “Với gói đầu tư công, dễ nhất là xây dựng “KPI” để kiểm tra, giám sát. Giờ việc giải ngân chậm không biết do khâu nào, không biết do ai thì làm sao mà giải ngân được? Rất cần một cơ chế rõ ràng: cơ quan nào, địa phương nào giải ngân thấp thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu, vướng chỗ nào thì gỡ chỗ đó”.